Đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo trường sa của việt nam bị trung quốc cải tạo hồi tháng 11/2014. Ảnh: AMTI/Digital Globe. |
"Bạn đang di chuyển theo dòng nước ở đại dương, đến nơi những con sóng rẽ đôi, và mọi thứ hiện ra ngoài các rạn san hô đều bằng phẳng giống như một hồ bơi khổng lồ," John McManus nhớ lại chuyến đi đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam cách đây vài năm.
Theo Washington Post, McManus hiện là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Rạn san hô tại Đại học Miami, Mỹ, có kinh nghiệm trên 30 năm nghiên cứu về hệ san hô ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã biến 7 rạn san hô ở Trường Sa thành những hòn đảo nhân tạo, xây hàng loạt cảng biển và đường băng. McManus đánh giá, điều này không chỉ đe dọa đến quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia khác ở Thái Bình Dương, mà còn phá hủy hệ sinh thái phong phú ở vùng biển này.
"Hoạt động này có sức tàn phá lớn. Đó là điều tồi tệ nhất từng xảy ra đối với các rạn san hô trong cuộc đời chúng," McManus nói.
Thái Bình Dương là khu vực thường xuyên có siêu bão. Các nhà khoa học lo ngại, những căn cứ Trung Quốc xây dựng ở biển đông không chịu được những cơn bão lớn.
"Ta có thể xây dựng một hòn đảo nhân tạo nếu thực hiện đúng quy trình. Nhưng không chắc rằng các hòn đảo này tồn tại vĩnh viễn hay không," Robert Dalrymple, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Johns Hopkins, nhận định.
Steve Elgar, một nhà khoa học về vật lý đại dương và kỹ thật tại Viện Hải dương học Woods Hole, băn khoăn liệu chúng sẽ tồn tại bao lâu dưới tác động của những con sóng đôi khi cao đến 9 m, hình thành từ ngoài xa và nổi lên cuồn cuộn mà không gì có thể ngăn nổi.
Đảo đá như Hawaii, Guam hay Philippines được bao quanh bằng các rạn san hô, giúp chúng ngăn chặn sức mạnh của những cơn sóng lớn đẩy qua đại dương. Nhưng đảo nhân tạo ở Trường Sa không có sự bảo vệ đó.
Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng đã thử nghiệm kỹ càng trước khi tiến hành bất kỳ hoạt động xây dựng nào để bảo vệ môi trường biển và rạn ran hô. Tại một số đảo mới, Trung Quốc đang xây đê chắn sóng bằng bê tông dài hàng trăm mét để giữ cát.
Nhiều nhà khoa học biển lo ngại về ảnh hưởng việc xây đảo nhân tạo và hoạt động nạo vét đối với vùng biển xung quanh, khi quần đảo Trường Sa là nơi tập trung ngư trường lớn của nhiều quốc gia châu Á.
Trong một báo cáo nghiên cứu năm 2013, các nhà khoa học Australia và Trung Quốc cho biết đa dạng sinh học biển đã suy giảm trong hai thập kỷ qua.
Theo báo cáo trên tạp chí Conservation Biology, mức độ bao phủ của san hô ở quần đảo Trường Sa đã giảm từ 60% xuống còn 20% so với 10-15 năm trước. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến rạn san hô này ít hơn so với yếu tố ô nhiễm, sự phát triển ở các vùng ven biển, tình trạng đánh bắt quá mức và phương pháp đánh bắt cá mang tính hủy hoại. Đặc biệt, các rạn san hô suy giảm đáng kể vì "Trung Quốc liên tục mở rộng hoạt động nghiên cứu và cải tạo."
Giáo sư sinh thái học biển Greg Mitchell của Viện nghiên cứu Scripps, Mỹ, cho rằng việc nạo vét và lắp đặt các trụ bê tông của Trung Quốc có thể phá hủy những gì còn sót lại trong hệ sinh thái ở khu vực này.
"Nếu không bị can thiệp, hệ sinh thái biển ở đó có lẽ rất đa dạng," Mithchell nói. "Tuy nhiên, tàu cá châu Á xuất hiện, đánh bắt mọi thứ, từ hải sâm cho đến giết cá mập lấy vây. Tôi e là đa dạng sinh học đang dần biến mất. Họ đang chôn vùi và phá hủy hệ sinh thái."
Thùy Linh