Khối đá Magdala khắc họa hình ảnh đền thánh . Ảnh: Yael Yolovich. |
Theo New York Times, khối đá mang tên Magdala Stone được quai quật năm 2009 gần biển Galilee ở miền bắc Israel, nơi một khu nghỉ mát chuẩn bị ra đời. Các nhà khảo cổ học của chính phủ được triệu tập định kỳ nhằm phát hiện những di tích cổ đại có thể bị dự án hủy hoại. Nhờ đó, họ tìm thấy dấu tích còn nguyên vẹn của một giáo đường do thái ở thế kỷ I và bắt đầu tiến hành khai quật.
Khu vực họ khai quật là quê hương của Mary Magdalene, một trong những tín đồ trung thành nhất của chúa jesus . Cuộc khai quật cũng tiết lộ nơi họp chợ cổ đại và phường ngư dân dọc theo giáo đường. Tuy nhiên, Magdala Stone mới chính là vật khiến các học giả kinh ngạc.
"Khi đến gần khối đá, tôi không thể tin vào mắt mình", Rina Talgam, giáo sư chuyên nghiên cứu nghệ thuật cổ đại Trung Đông ở Đại học Jerusalem chia sẻ. Bà được các chuyên gia khảo cổ của Bộ Cổ vật Israel mời tới khu khai quật để xem xét những hình khảm và bích họa trên khối đá Magdala.
Talgam kết luận những gì bà nhìn thấy là hình ảnh minh họa ba chiều của đền thờ Herod, bao gồm chính điện linh thiêng nhất ở bên trong, gọi là nơi Cực Thánh. Sau đó, Talgam đã dành nhiều năm để giải mã, dịch lại những ký hiệu trang trí trên khối đá và nghiên cứu kết quả phát hiện.
Đền thờ Herod có tiền thân là ngôi đền do vua solomon xây dựng vào thế kỷ 10 trước Công nguyên. Ngôi đền được cho là nơi Chúa hiện diện, đồng thời là trung tâm thờ phụng của người Do Thái cổ đại.
Các chuyên gia từ lâu tin rằng, trước khi đền thờ Herod bị phá hủy vào năm 70, giáo đường Do Thái được sử dụng như một nơi công cộng để tập hợp và học tập. Vai trò là nơi linh thiêng dành riêng cho nghi thức tôn giáo ra đời sau đó, trong thời kỳ người Do Thái phải bỏ xứ đi phiêu bạt.
Nhưng khối đá Magdala được tìm thấy ở trung tâm giáo đường cũ. Theo Talgam, nó có thể nhằm đem đến cho nơi này vẻ linh thiêng giống như một phiên bản nhỏ hơn của đền thờ Herod.
Các học giả khác cũng có cùng quan điểm. Elchanan Reiner, giáo sư lịch sử Do Thái ở Đại học Tel Aviv, cho biết khối đá có thể đại diện cho nơi Chúa hoặc linh hồn của Chúa, cư ngụ và vị trí ở giữa giáo đường của nó mang đến ý nghĩa mới cho một công trình công cộng.
Một mặt khối đá khắc hình cây đèn nhiều nhánh. Cột đèn nến kiểu này từng được mô tả trong Kinh Thánh và hiện diện trong đền thờ Herod. Theo David Mevorah, quản lý khảo cổ Hy Lạp, Tây La Mã và Đông La Mã ở bảo tàng Israel, nó trở thành một biểu tượng cho hy vọng cứu thế của người Do Thái trong nhiều thế kỷ sau.
Qua quá trình dịch lại, Talgam cho rằng còn nhiều biểu tượng của đền thờ Herod trên khối đá. Những vật dụng linh thiêng được minh họa theo trình tự xuất hiện. Một hình vuông bên dưới cây đèn có thể biểu trưng cho bàn thờ thần với bình chứa dầu và nước lớn ở hai bên. Những bậc thang, cổng vòm và cột đá mô tả kiến trúc đền thờ Herod.
Giáo sư Talgam lập luận hình bông hồng 12 cánh trên đỉnh viên đá có thể phỏng theo họa tiết trên bức màn trướng chắn giữa khu điện thờ và nơi Cực Thánh.
Mặt đá còn lại khắc họa nơi Cực Thánh. Nằm ở nửa thấp là một cỗ xe phát ra những tia lửa bên dưới bánh, có thể là chỗ ngồi của Chúa trong ngôi đền trên mặt đất. Nửa cao trên mặt đá là hình ảnh Chúa ở trên thiên đường.
Phương Hoa