airlander 10 có cấu tạo một phần là khí cầu, một phần máy bay và phần là trực thăng. Ban đầu, công ty thiết kế của Anh mang tên Hybrid Air Vehicles (HAV) chế tạo phương tiện này nhằm cung cấp cho quân đội Mỹ, phục vụ hoạt động trinh sát. Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm ngân sách khiến dự án này thất bại.
Với khoản tài trợ 5,1 triệu USD của chính phủ Anh, các nhà thiết kế và kỹ sư đã sẵn sàng cho các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, dự kiến vào cuối năm nay.
Mô hình Airlander 10. Ảnh: HAV |
Mô hình cũ, công nghệ mới
Mẫu máy bay này đã tồn tại khoảng gần một thế kỷ, nhưng chúng trở nên lỗi thời sau thảm họa Hindenburg năm 1937, khi chiếc khí cầu bay lớn nhất thế giới do Đức chế tạo mang tên LZ129 Hindenburg Đức bốc cháy và khiến 36 người thiệt mạng.
"Vấn đề còn tồn tại đối với khí cầu bay kiểu cũ là có nhiều nhóm hỗ trợ dưới mặt đất, khả năng mang tải trọng hạn chế và nhạy cảm với điều kiện thời tiết. Chúng tôi giải quyết những điều này bằng một mẫu phương tiện mới, kết hợp giữa máy bay có cánh thông thường và khí cầu", Chris Daniels, người đứng đầu cơ quan thông tin và đối tác của HAV, nói.
Airlander 10 có tải trọng 10 tấn, được sản xuất từ vật liệu sợi carbon, kevlar và mylar. Áp lực của khí heli bên trong sẽ duy trì hình dạng của máy bay. Nguồn nhiên liệu diesel giúp Airlander cất cánh, hạ cánh và tạo lực đẩy cho bộ phận cánh quạt. Buồng lái có thiết kế chỗ ngồi cho một phi công và một người quan sát, nhưng nó có thể dễ dàng được tái cấu trúc tùy theo thông số kỹ thuật của người sử dụng.
Phiên bản Airlander 10 hiện tại tiêu thụ khoảng 20% lượng nhiên liệu của máy bay thông thường, có thể trang bị pin năng lượng Mặt Trời, sử dụng động cơ V8 325 mã lực. Nó có thể bay 5 ngày khi mang tải trọng tối đa và hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Trong các dự án trước đây của quân đội Mỹ, máy bay dự kiến được sử dụng trong hoạt động quân sự. Tuy nhiên theo HAV, phiên bản này sẽ phân chia ứng dụng quân sự và dân sự theo lệ 40:60.
Xem thêm thiết kế của Airlander 10
Đa năng
Theo Daniels, thiết kế này đã nhận được nhiều sự quan tâm từ trong nước và nước ngoài. Tuần duyên Mỹ hy vọng có thể ứng dụng để kiểm soát đường biển, tổ chức từ thiện Oxfam quan tâm đến khả năng dùng máy bay để cứu trợ sau thảm họa thiên nhiên. HAV còn đang đàm phán với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm tiến tới các dự án nghiên cứu khoa học.
Trong khi đó, hãng OceanSky của Thụy Điển muốn dùng chúng như một hệ thống vận tải các tuabin gió. "Ở thời điểm hiện tại, cách duy nhất để vận chuyển thiết bị là làm một đường cao tốc rộng 50 m băng qua những cánh rừng Bắc Âu. Đây không phải lựa chọn hay và họ cũng không muốn hủy hoại môi trường sinh thái", Daniels giải thích.
Khí cầu bay ở Cardington, Anh. Ảnh chụp tháng 2/2014. Ảnh: HAV |
Sử dụng khí cầu bay cho mục đích quân sự như trinh sát và giám sát không phải ý tưởng mới. Nhưng ngày nay, chúng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các loại phương tiện không người lái (UAV).
"Airlander có một lợi thế lớn, đó là nó có thể nâng tải trọng lớn hơn hầu hết các loại UAV, tạo điều kiện cho radar, máy ảnh hay nhiều cảm biến hoạt động", Tim Robinson, tổng biên tập tạp chí AEROSPACE, cho hay.
"Khí cầu bay có thể không cần đường bay hoặc sân bay, do đó đây sẽ là điều đáng chú ý cho các hoạt động cứu trợ thiên tai. Máy bay trực thăng cũng có thể hạ cánh ở bất cứ đâu, nhưng chúng hạn chế về tải trọng và phạm vi hoạt động. Airlander sẽ hiệu quả hơn nhiều nhờ thiết kế thân nâng", Robinson nhấn mạnh khả năng thương mại của Airlander như chở hàng trong thời gian dài hay các nhiệm vụ nhân đạo.
Tuy nhiên, chuyên gia hàng không này tỏ ra lo ngại về tương lai của Airlander. Kế hoạch đưa khí cầu bay trở lại có từ vài năm trước, trong đó hai dự án trinh sát quân sự của Lầu Năm Góc đã phải hủy "vì họ không tự tin vào công nghệ".
Robinson gọi đây là dự án hứa hẹn nhất mà chúng ta biết đến trong một khoảng thời gian dài, nhưng chỉ sự thành công của các chuyến bay thử nghiệm mới chứng minh được khả năng thực sự của Airlander 10.
Anh Hoàng (Theo CNN)