Rơi từ trên không xuống có thể là nỗi sợ hãi lớn nhất của hành khách trên máy bay. Do đó, kỹ sư hàng không người Nga Tatarenko Vladimir Nikolaevich đưa ra đề xuất chế tạo những chiếc máy bay với khoang hành khách có thể tách rời khỏi máy bay và đáp an toàn xuống mặt đất trong trường hợp khẩn cấp nhờ thiết bị dù.
thiết kế này có thể làm yên lòng những hành khách thường xuyên phải di chuyển bằng máy bay. Tuy nhiên, Herve Morvan, giáo sư Cơ khí ứng dụng kiêm trưởng khoa Kỹ thuật ở Viện Công nghệ Hàng không thuộc Đại học Nottingham, Anh, cho rằng thiết kế này không chỉ tốn kém mà còn rất khó cứu mạng hành khách.
Theo thiết kế, khoang cabin tách rời sẽ được kích hoạt khi máy bay gặp sự cố về động cơ. Nhưng trường hợp máy bay rơi vì vấn đề này rất hiếm khi xảy ra. Hỏng hóc hệ thống và máy móc chiếm chưa đến 3 % số vụ tai nạn chết người trong 10 năm qua.
Theo IFL Science, máy bay dễ gặp nạn nhất khi cất cánh và hạ cánh bởi vị trí sát mặt đất hơn (chướng ngại vật lớn nhất), và di chuyển ở tốc độ thấp nên khó điều khiển. Theo số liệu từ hãng sản xuất máy bay Boeing ở Mỹ, gần 3/4 số ca tử vong do rơi máy bay từ năm 2005 đến 2014 xảy ra trong quá trình cất cánh/hạ cánh. Đây cũng là thời điểm cabin tách rời có ít khả năng ứng dụng thành công nhất. Vị trí sát mặt đất khiến phi công không có nhiều thời gian kích hoạt cabin sau tai nạn. Trong trường hợp tách rời khỏi máy bay, cabin rất có thể sẽ rơi xuống khu vực dân cư.
Tính riêng thập kỷ vừa qua, hơn 1.000 người mất mạng trong các vụ tai nạn diễn ra khi máy bay đang bay, giai đoạn cabin tách rời có tính khả thi cao nhất. Dù vậy, Morvan nhận định công nghệ rất khó chứng thực độ hiệu quả. Phần lớn tai nạn máy bay (80%) do lỗi của con người, trong đó phổ biến nhất là mất lái và đâm vào núi. Cabin tách rời không thể triển khai an toàn nếu phi công mất khả năng kiểm soát máy bay, hoặc máy bay chuẩn bị đâm vào núi.
Ngay cả khi phi công phản ứng một cách bình tĩnh và kịp thời, cabin tách rời có thể không thực sự hữu ích. Trường hợp phi công Chesley B Sullenberger đáp máy bay xuống sông Hudson ở New York, Mỹ năm 2009 sau khi những con chim lao vào động cơ lúc cất cánh là một ví dụ.
Dù các nhà sản xuất không thể lường trước mọi tình huống, các động cơ được kiểm nghiệm và thiết kế để hoạt động ngay cả khi bị chim mắc vào. Máy bay có thể tiếp tục hoạt động dù hỏng một bên động cơ. Cơ trưởng Sullenberger không may phải ứng phó với động cơ hỏng ở cả hai bên và không thể quay đầu để hạ cánh khẩn cấp tại sân bay. Trong trường hợp này, cabin tách rời rất khó ứng dụng và sẽ rơi xuống thành phố.
Ngoài ra, các kỹ sư cũng cần tính đến độ phức tạp về mặt kỹ thuật khi chế tạo cabin tách rời, để các bộ phận và chốt khóa vừa gắn chặt với cabin, vừa có thể dễ dàng tháo rời khi bay. Vấn đề bảo dưỡng cũng là một thách thức không nhỏ. Hệ thống cabin tách rời còn làm trọng lượng máy bay tăng lên, đòi hỏi lực đẩy mạnh hơn và mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn.
Phương Hoa