Sừng tê giác bị thu giữ vào tháng 5 năm nay. Ảnh do Cục hải quan TP HCM cung cấp. |
Báo cáo của Cơ quan CITES Việt Nam (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cho biết, từ năm 2004 đến 2013 có 20 vụ nhập khẩu trái phép sừng tê giác qua sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP HCM) bị cơ quan chức năng bắt giữ với khoảng 150 kg, trong đó có 8 vụ bị khởi tố hình sự.
Tổng cục Hải quan cũng cho hay, từ đầu năm 2008 đến giữa tháng này, toàn ngành bắt giữ 13 vụ vận chuyển sừng tê giác trái phép, với số lượng hơn 120 kg qua đường hàng không. Trong đó điển hình là vụ diễn ra ngày 26/2 năm ngoái, Cục Hải quan Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện hai hành khách nhập cảnh trên chuyến HongKong - Nội Bài vận chuyển 22 kg sừng động vật nghi là sừng tê giác.
Đầu năm nay, Cục Hải quan TP HCM bắt giữ một hành khách nhập cảnh có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa cấm nhập khẩu từ Mozambique quá cảnh qua hai địa điểm là Doha (Quata) và Bangkok (Thái Lan) đến Việt Nam. Tang vật thu giữ được là 16,5 kg nghi là sừng tê giác.
Từ nước ngoài, sừng tê giác hầu hết có nguồn gốc từ Nam Phi, được tạm nhập vào việt nam bằng đường hàng không, sau đó tái xuất đi nước thứ ba. Ông Phạm Ngọc Việt, Phó phòng phòng chống buôn lậu thuộc đơn vị trên cho biết, một số đối tượng Việt Nam mua bán, săn bắt tê giác tại Nam Phi, sau đó vận chuyển về Việt Nam hoặc qua nước khác rồi buôn lậu sang Trung Quốc. "Các đối tượng móc nối tạo thành đường dây chặt chẽ có tổ chức, thủ đoạn cất giấu sản phẩm rất tinh vi", ông Việt cho hay.
Sau khi Việt Nam thoả thuận ngăn chặn buôn bán ngà voi, tê giác với Nam Phi, các đối tượng chuyển hướng hoạt động sang Mozambique và tình trạng này đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó Mozambique không truy tố, không có án phạt đối với tội phạm buôn bán tê giác, vị đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.
Theo các nhà bảo tồn, những lời thêu dệt về công dụng chữa bệnh của sừng tê giác đã làm một số người tin rằng đây là liều thuốc chữa bách bệnh. Một số đối tượng lại sử dụng làm quà tặng cao cấp hoặc thể hiện đẳng cấp. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, tất cả điều này là sai lầm.
Các nhà quản lý Việt Nam cho rằng, những vụ phát hiện và bắt giữ liên quan đến buôn bán sừng tê giác tại Việt Nam gặp một số khó khăn, như việc xác minh các doanh nghiệp trong nước đứng tên nhận lô hàng vi phạm là rất khó vì không đủ căn cứ xác định do có sự thông đồng với người giữ hàng. Trong khi đó, việc xác minh các đối tượng nước ngoài gửi hàng hóa vào Việt Nam không dễ do khác biệt về hệ thống pháp lý.
Bên cạnh đó, vấn đề xử lý tang vật cũng khó khăn. Sừng tê giác tươi mới cắt dễ bị hỏng do không có kho chuyên dụng bảo quản, theo nhận định của đại diện Hải quan. Ngoài ra lực lượng thực thi chức năng còn mỏng, trang thiết bị chưa tốt, khiến việc bắt giữ các vụ vận chuyển gặp khó.
Trước thực trạng trên, hôm nay, các tổ chức bảo tồn phối hợp với Cơ quan CITES Việt Nam phát động chiến dịch giảm cầu với sừng tê giác. Chiến dịch triển khai tới các bên liên quan như phụ nữ, doanh nhân, sinh viên, các đối tượng hành nghề y.
Ông Võ Đại Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, để giảm cầu đối với sừng tê giác, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế. "Việt Nam sẽ thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế về bảo tồn. Tôi cũng mong các tổ chức quốc tế phối hợp, hỗ trợ Việt Nam và Nam Phi thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ song phương, trong đó có kế hoạch hành động chung về bảo tồn quần thể tê giác ở Nam Phi”, ông Hải nói.
Bà Kgomotso Ruth Nagau, Đại sứ quán nước cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam khẳng định: “Giảm cầu đối với sừng tê giác ở Việt Nam là hành động rất thiết thực, góp phần chấm dứt thị trường cho các mạng lưới tội phạm buôn bán trái phép. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để cứu mạng sống của loài tê giác tại Nam Phi".
Từ đầu năm tới nay có hơn 580 con tê giác bị giết dưới bàn tay của kẻ săn trộm Nam Phi, tức là cứ mỗi ngày hai con tê giác bị giết để lấy sừng, phần lớn chúng được đem bán tới châu Á, trong đó có Việt Nam.
Hương Thu