"Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tham dự cop 21 với đại biểu ở cấp cao, trình bày về tham vọng, kế hoạch quốc gia và cam kết của mình với những bước đi cụ thể, chẳng hạn như Việt Nam sẽ giảm phát thải khí nhà kính ở mức độ nào", ông Poirier cho biết trong buổi họp báo về "Ngày Ngoại giao châu Âu về khí hậu" chiều nay.
Đại sứ Pháp cho hay tại COP 21, tất cả 195 nước tham gia đều đưa ra cam kết của riêng mình về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để có thể ký kết một thỏa thuận toàn cầu về khí hậu, cho phép hạn chế việc nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2°C.
Các nước đang phát triển, như Việt Nam, có sự khác biệt so với các nước phát triển khác về cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính do trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Ông cho rằng quyết tâm chính trị là yếu tố quan trọng với các nước, để làm sao đưa các chính sách trên giấy đi vào cuộc sống.
Điểm mới tại COP 21 lần này, theo ông Poirier, là các nước hướng tới một hiệp định mang tính ràng buộc pháp lý về giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nước tham dự COP 21 cũng sẽ bàn biện pháp để huy động nguồn tài chính khoảng 100 tỷ USD mỗi năm để chống biến đổi khí hậu, nguồn này chủ yếu dành cho các nước đang phát triển.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever thừa nhận các nước phát triển thuộc EU có vai trò đi đầu trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Ông Lever mong muốn Việt Nam có thể tránh được những sai lầm mà Anh đã mắc phải trong quá khứ để phát triển kinh tế, nên sử dụng công nghệ cao để có nền kinh tế carbon thấp. Đại sứ Lever cho rằng Việt Nam đang có một số chính sách tốt như phát triển xanh, tiết kiệm năng lượng, hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực trong giảm phát thải nhà kính, trợ cấp năng lượng, tìm các năng lượng thay thế như năng lượng tái tạo, ít phụ thuộc vào than đá.
Các bằng chứng khoa học cho thấy sự gia tăng nhiệt độ trung bình thế giới hơn 2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Với nhịp độ gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay, nhiệt độ trái đất có thể tăng thêm từ 3 đến 5°C vào năm 2100, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tan chảy băng, nước biển dâng cao (khoảng 60 cm nữa) và gia tăng các hiện tượng khí hậu cực đoan tại nhiều khu vực trên trái đất, trong đó có Việt Nam. Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải lên 20% năm 2020. EU cam kết giảm khí thải từ 80-95% vào năm 2050 so với 1990.
Đại sứ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đi xe đạp nhân Ngày lễ Ngoại giao về khí hậu. Ảnh: VA |
Việt Anh