Nếu xảy ra va chạm giữa thiên thạch 2014 UR116 và Trái Đất, vụ nổ sẽ có sức mạnh lớn hơn 1.000 lần so với vụ nổ ở chelyabinsk , Nga, hồi tháng 2 năm ngoái. Ảnh minh họa: NASA/Reuters |
Thiên thạch 2014 UR116 được phát hiện qua kính thiên văn tự động đặt tại dãy núi gần thành phố Kislovodsk. 2014 UR116 có đường kính khoảng 370 m, lớn hơn so với kích thước của Apophis, thiên thạch từng được cho là "mối họa của toàn cầu".
Tạp chí Scientific Russia nhận định 2014 UR116 có kích thước lớn và vụ va chạm với Trái Đất sẽ rất "thảm khốc". Khi đó, nó sẽ có sức tác động mạnh hơn gấp 1.000 lần so với vụ nổ thiên thạch trên bầu trời Chelyabinsk.
Victor Shor, chuyên gia của Viện Thiên văn Ứng dụng, cho biết thiên thạch khổng lồ có thể sẽ không gây hại cho Trái Đất trong ít nhất 6 năm tới. Hiện nay, vị trí gần nhất của quỹ đạo 2014 UR116 ở cách Trái Đất 4,5 triệu km.
Quỹ đạo của 2014 UR116 đang thay đổi thất thường vì nó cũng di chuyển gần sao Kim và sao Hỏa, trong khi lực hấp dẫn của các hành tinh này cũng có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của nó. Theo RT, sau khi xác định vật thể mới, nhóm chuyên gia Nga đã chuyển dữ liệu đến các đồng nghiệp tại đài quan sát vật lý thiên văn Smithsonian. Nhờ đó, các đài quan sát trên thế giới đều có thể nghiên cứu 2014 UR116 và xác định quỹ đạo chính xác.
Ngày 15/2 năm ngoái, khối thiên thạch có đường kính khoảng 15 mét lao vào khí quyển với vận tốc 64.000 km/giờ và phát nổ ở độ cao 19-24 km so với mặt đất. Vụ va chạm gây ra đám mưa thiên thạch trên bầu trời các tỉnh Chelyabinsk, Tyumen, Kyrgan và Sverdlovsk, cũng như nhiều địa phương ven dãy núi Urals.
Nguồn năng lượng có trong thiên thạch khi phát nổ ước tính tương đương với vụ nổ của khoảng 300-500.000 tấn thuốc nổ TNT, và mạnh hơn gấp 30 lần so với sức mạnh của quả bom từng rơi xuống Hiroshima, Nhật Bản, năm 1945.
Linh Anh