Những cỗ máy dò tìm hiện đại nhất đang được huy động để giải câu hỏi bí ẩn liên quan đến chuyến bay MH370 trên vùng biển nam Ấn Độ Dương:
Thiết bị định vị tín hiệu Towed pinger locator (TPL)
Sơ đồ mô phỏng hoạt động dò tìm tín hiệu từ hộp đen bằng tàu Towed pinger locator của Mỹ. Ảnh: US Navy |
Một trong những thiết bị hữu ích mà máy bay có thể được trang bị là máy phát siêu âm (pinger) . Đây là "âm thanh" được truyền từ bộ phận thu dữ liệu máy bay và thu tín hiệu buồng lái mà có thể được nghe thấy từ cách xa 3 km.
Để giải thích cơ chế hoạt động của TPL, Paul Nelson, giám đốc công ty Phoenix International, mô tả nó tương tự như khi ai đó không tìm thấy điện thoại, họ có thể gọi đến số thuê bao, nghe thấy tiếng chuông và thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Phoenix International là một công ty ở Mỹ sở hữu 25 hệ thống TPL-25, có thể thả xuống biển ở độ sâu 6.000 km và hoạt động trong nhiều giờ.
Trong quá trình tìm kiếm phi cơ mất tích của Malaysia Airlines, Hải quân Mỹ đã triển khai một tàu lớn kéo theo thiết bị định vị TPL nhằm phát hiện hộp đen dưới nước. Towed Pinger Locator được kéo từ phía sau tàu ở tốc độ chậm và có thể phát hiện âm thanh với độ nhạy cao. Nếu vị trí xác máy bay được xác định, thiết bị này có thể nghe được âm thanh từ bộ phận phát tín hiệu của hộp đen ở độ sâu tối đa 6.100 m.
Tuy nhiên, hạn chế của quá trình tìm kiếm đó là thời gian hoạt động của pin trên bộ phận phát tín hiệu "ping" chỉ kéo dài từ 30-45 ngày, và có thể bị át đi do chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, tiếng ồn hay các lớp bùn.
Năm 2009, TPL-25 được các chuyên gia sử dụng trong hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích của Air France. Tuy nhiên, công cuộc tìm kiếm không thành công. Hai năm sau đó, các chuyên gia phát hiện bộ phận thu dữ liệu máy bay và các mảnh vỡ bằng cách sử dụng thiết bị tự động dưới nước.
Phương tiện tự động dưới nước (AUV)
Một AUV được thả xuống biển. Ảnh: MBARI |
AUV thường được sử dụng để thăm dò giếng dầu trong ngành công nghiệp khai thác dầu và khí đốt. Ứng dụng để phát hiện tín hiệu từ bộ phận thu dữ liệu máy bay, AUV có thể thu hẹp diện tích tìm kiếm ở khu vực máy bay rơi bằng cách hỗ trợ vẽ bản đồ đáy đại dương .
Theo chuyên gia phân tích David Soucie, AUV nhỏ thường chỉ đi sâu xuống biển ở độ sâu khoảng 1,5 km. Các thiết bị thế hệ mới có kích thước lớn hơn có thể đưa xuống biển ở độ sâu lớn hơn.
Một trong những thiết bị AUV tinh vi nhất của Phoenix International đã được kích hoạt và đưa đến thành phố Perth, Australia, để hỗ trợ hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370. Thiết bị có màu vàng, dài hơn 5 m, được trang bị camera và có trọng lượng trong không khí khoảng 720 kg. Nó có thể được đưa xuống nước ở độ sâu 6.000 m và di chuyển từ 2-4,5 hải lý trong 20 giờ, sử dụng máy quét siêu âm để hình thành bản đồ đáy biển.
AUV là thiết bị tự động không người lái, do đó chúng có thể được lên chương trình như robot. Thiết bị sử dụng một mô hình giống hệ thống đường kẻ ô để tạo ra hình ảnh biển sâu. Các cảm biến xung quanh sẽ giúp AUV tránh được những vật cản có thể gây trở ngại hay ảnh hưởng đến hệ thống này.
AUV từng đóng vai trò quan trọng trong trường hợp máy bay Air France, hoạt động tìm kiếm mảnh vỡ máy bay của một nhà thiết kế người Italy ở ngoài khơi Venezuela hay phát hiện tàu HMS Ark Royal bị đánh chìm trong Thế chiến II.
Phương tiện vận hành từ xa (ROV)
Một thiết bị ROV được thả xuống biển trong hoạt động thăm dò đại dương. Ảnh: NOAA |
Để giải đáp bí ẩn của MH370, các nhà điều tra vẫn cần nhiều sự hỗ trợ về mặt quan sát hơn nữa tại khu vực có thể phát hiện mảnh vỡ máy bay và vị trí của hộp đen. ROV có thể là công cụ hỗ trợ hữu ích trong trường hợp này.
ROV được buộc vào một con tàu, hạ thấp dần xuống biển bằng dây cáp. Hoạt động của ROV sẽ được quan sát và điều chỉnh bằng hệ thống theo dõi từ xa. Các thiết bị này cũng được trang bị camera dưới nước và gửi hình ảnh trực tiếp về phòng điều khiển.
Trong lịch sử, ROV từng hỗ trợ các chuyên gia tìm được các mảnh vỡ từ con tàu đắm nổi tiếng mang tên Titanic.
Thùy Linh (theo CNN)