Ngày càng có nhiều người lựa chọn mua laptop qua mạng. Ưu điểm của việc này là có thể chọn được nhiều mẫu, nhiều cấu hình mà không mất nhiều thời gian. Nhưng cũng chính sự đa dạng đó lại làm cho nhiều người cảm thấy khó khăn lựa chọn thứ mà mình cần, ví dụ như luôn mắc phải câu hỏi liệu có nên trả thêm 25 USD cho một vi xử lý nhanh hơn? Hay nếu chi thêm 50 USD sẽ được vi xử lý như thế nào? Liệu có cần đến card đồ họa “cao cấp” Nvidia GeForce hay chỉ card tích hợp phổ thông Intel cũng là quá đủ? Không những thế, người tiêu dùng còn luôn bị “mê hoặc” bởi các chiến dịch quảng cáo “đình đám” của các nhà sản xuất và phân phối với banner như “Laptop tốt nhất với vi xử lý Intel”; “Ổ cứng dung lượng lớn cho nhiều chương trình cài đặt hơn”... và các quảng cáo khác tương tự.
Dưới đây là những gợi ý giúp bạn tránh tối đa sai lầm trong việc chọn laptop ưng ý qua mạng.
Vi xử lý
Nếu cần dùng những ứng dụng mạnh thì nên trang bị chip Core 2 Duo. Ảnh: Tech2. |
Một thực tế là hầu hết các phần mềm ứng dụng thông thường đều không “ngốn” tài nguyên CPU, ngoại trừ game. Do đó, với người dùng phổ thông, lựa chọn vi xử lý thương hiệu AMD hay Intel không phải là vấn đề đáng bận tâm. Song cũng nên quan tâm một chút đến các khía cạnh khác.
Đầu tiên phải kể đến là thời lượng pin. Vi xử lý AMD thường không hiệu quả trong sử dụng điện như vi xử lý của Intel. Nếu hầu hết thời gian mà bạn sử dụng laptop là trong phòng hay nơi gần nguồn điện thì việc lựa chọn vi xử lý AMD là phù hợp và tiết kiệm hơn.
Thứ hai là khi đã lựa chọn sản phẩm của Intel nên quan tâm tới các kí tự như “P” hay “T” ghi trên chip. Đây là các mẫu chip Intel “trung cấp” có hiệu suất sử dụng điện năng tốt giúp kéo dài thời lượng sử dụng pin.
Điểm thứ ba cần lưu ý, các bạn nên chọn mua vi xử lý “dual core”. Không nên lựa những mẫu máy “Celeron” hay “Sempron”. Hiện nay, trên thị trường, cả AMD và Intel đều cung cấp nhiều mẫu “dual core” giá tốt.
Kế đến, cũng phải cân nhắc lựa chọn vi xử lý “mạnh mẽ” ra sao. Nếu cần dùng máy cho những “ứng dụng nặng ký” như biên tập video, xử lý hình ảnh... bạn nên đầu tư thêm cho các mẫu Core 2 Duo hay thậm chí là Quad Core. Vì thế, bạn cũng cần phải quyết định trước khoản tiền mà mình dành cho chip. Có sự khác biệt rất lớn về giá giữa các mẫu được nhà sản xuất đưa ra ngay cạnh nhau trong danh sách. Chênh lệch khoảng 50 USD giữa hai mẫu vi xử lý là đã có thể đem lại hệ thống có tốc độ xử lý nhanh hơn 200 MHz. Và cũng không hẳn đã sai lầm khi lực chọn những mẫu “trung cấp”. Quan trọng là chúng phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
Cuối cùng là một gợi ý có vẻ “lạ thường”, nếu muốn lựa chọn một chiếc laptop để chơi game với giá “bình dân” nên chọn các mẫu AMD thay vì Intel. Không chỉ nhỉnh hơn về tốc độ xử lý, những lựa chọn bổ sung về card đồ họa AMD cũng đa dạng và ít tốn kém hơn.
Bộ nhớ RAM
Nêu mua lẻ RAM rồi tự mình nâng cấp lấy. Ảnh: Ralphlosey. |
Đây có lẽ là lựa chọn dễ dàng hơn cả. Một người sử dụng thông thường hiếm khi cần quá 2 GB RAM, trong khi đó những người “nghiền” Media hay các game thủ sẽ cần tới cả 4 GB RAM. Nhưng với dung lượng RAM càng nhiều, người sử dụng càng được hưởng lợi dù thuộc nhóm đối tượng nào. Vì thế, không nên bận tâm khi nhà sản xuất đưa ra cấu hình RAM 3 GB, thậm chí còn có những mẫu máy được trang bị RAM 8 GB với giá “ngất ngưởng”.
Chi phí cho việc nâng cấp bộ nhớ RAM trực tiếp khi cấu hình máy thường cao hơn việc người sử dụng “tự mình” nâng cấp lấy. Điển hình, với các sản phẩm của Apple, khi lựa chọn mẫu máy với dung lượng RAM lớn hơn, giá thành sản phẩm tăng lên “bất hợp lý”. Bạn nên chú ý, giá RAM mua lẻ rẻ hơn mua kèm máy, ngoài ra, việc tháo lắp để nâng cấp RAM cũng không có gì khó khăn.
Hầu hết các mẫu laptop đều rất dễ tháo lắp để nâng cấp RAM mà không ảnh hưởng đến vấn đề bảo hành. Thường chỉ mất nhiều nhất là 5 phút để làm việc này, và còn có cả sách hướng dẫn giúp người sử dụng tiến hành hiệu quả. Vì thế, ngoại trừ trường hợp các nhà cung cấp miễn phí nâng cấp RAM, nếu không hãy mua lẻ RAM từ các nhà bán lẻ rồi tự mình nâng cấp lấy.
Hệ điều hành OS
Đây cũng là một lựa chọn khá dễ cho người sử dụng. Cho đến thời điểm này, khi Windows 7 vẫn chưa chính thức “lên kệ”, Windows Vista gần như là lựa chọn duy nhất. Tuy có nhiều phàn nàn, nhưng Vista vẫn là hệ điều hành có giao diện đẹp và khá ổn định.
Bạn nên lựa chọn phiên bản Home Premium, bởi những phiên bản như Business và Ultimate đính kèm nhiều ứng dụng bạn sẽ chẳng mấy khi dùng đến, còn Home Basic thì lại quá “sơ sài”. Và nếu laptop của bạn đã được trang bị bộ nhớ RAM 4 GB thì có thể chọn phiên bản hệ điều hành 64-bit thay vì 32-bit thông thường.
Khả năng lưu trữ
Ổ HHD cho laptop. Ảnh: Laptoprepair. |
Đây là lựa chọn thiên về sở thích và dựa trên 3 tiêu chí chính: Dung lượng, tốc độ, ổ đĩa cứng truyền thống HDD hay ổ thể rắn đời mới SSD.
Về dung lượng, nếu chỉ có nhu cầu lưu các phần mềm, tài liệu văn bản, ảnh, có lẽ bạn không cần quá 160 GB không gian lưu trữ. Nhưng bạn sẽ cần nhiều hơn nữa cho nhu cầu lưu trữ và biên tập video.
Về tốc độ, có hai lựa chọn với ổ đĩa cứng HDD là 5.400 vòng một phút và 7.200 vòng một phút. Nên lựa chọn tốc độ nhanh hơn không chỉ cho nhu cầu công việc về media, mà thông thường ổ cứng hoạt động càng nhanh càng tốt, tránh tình trạng “thắt cổ chai” trong quá trình xử lý dữ liệu. Vì vậy, việc chi thêm tiền để sở hữu cỗ máy lưu trữ dữ liệu an toàn và hiệu quả hơn là xứng đáng.
Ổ thể rắn SSD ngày càng trở lên phổ biến, nhưng giá của sản phẩm này vẫn còn rất đắt. Bù lại, tốc độ lưu trữ dữ liệu và cả độ an toàn cao là những gì người sử dụng rất yên tâm. Vấn đề lớn nhất vẫn là giá thành đi kèm với dung lượng hạn chế. Nếu nhu cầu công việc, đòi hỏi một cỗ máy với khả năng sao chép, đọc/ghi dữ liệu nhanh nhất có thể, ổ SDD là lựa chọn đáng giá. Còn đối với đối tượng người dùng phổ thông, sẽ là lựa chọn “tốn kém” thậm chí “sai lầm”.
Ổ đĩa quang
Cũng không khó khăn gì khi lựa chọn ổ đĩa quang. Lựa chọn đầu tiên là ổ ghi DVD, phương tiện tốt nhất để back-up “phòng xa” dữ liệu của bạn và đây là nhu cầu thực sự cần thiết. Ngoài ra, còn có ổ đĩa Blu-ray “đắt tiền” nếu bạn có nhu cầu xem phim với đĩa Blu-ray thì hãy nghĩ tới lựa chọn này.
Các lựa chọn khác như ổ đĩa có thêm tính năng ghi nhãn đĩa LabelFlash hay LightScribe cho phép bạn có thể “vẽ” lên bề mặt đĩa những hình ảnh tùy thích. Nhưng có lẽ đây không phải là lựa chọn cần thiết, và cũng không tốn kém vì chỉ thêm 10 USD so với ổ DVD bình thường.
Màn hình
Màn hình độ phân giải thấp khi chơi game hình ảnh xuất ra không đẹp. Ảnh: Styleaudio. |
Có lẽ đây là lựa chọn khá khó khăn và dễ mắc “sai lầm” nhất. Nếu chọn màn hình LED nền, bạn sẽ tốn thêm 100 USD, nhưng hình ảnh lại sáng hơn và tiết kiệm điện năng hơn.
Về độ phân giải, độ phân giải màn càng cao, không gian làm việc càng nhiều nhưng các ký tự văn bản hiển thị càng nhỏ. Vì thế, với những người thị giác không tốt, nên sử dụng màn có độ phân giải thấp. Thế nhưng, màn hình có độ phân giải thấp, khi chơi game xuất ra hình ảnh không đẹp lại bị “phồng hình” rất khó coi. Một phần là vì card đồ họa không đủ sức xử lý hình ảnh và hỗ trợ độ phân giải cao hơn.
Card đồ họa
Nếu muốn dùng laptop để chơi game nên loại bỏ ngay tùy chọn cấu hình với card đồ họa Intel tích hợp. Thay vào đó nên lựa chọn card rời Nvidia GeForce hoặc ATI Radeon. Và nên cân nhắc kỹ bởi một khi đã cấu hình, bạn không thể nâng cấp card đồ họa cho laptop được. Vì thế nếu bạn có nhu cầu chơi game và mẫu máy mà bạn đang “ngắm nghía” không có lựa chọn card đồ họa Nvidia GeForce hoặc ATI Radeon, nên chuyển hướng sang các mẫu máy khác. Còn nếu nhà sản xuất lại đưa ra nhiều hơn một lựa chọn về card đồ họa cho cả hai nhãn hiệu Radeons/GeForces, hãy lựa chọn card có giá thành phù hợp với túi tiền. Cũng như bộ nhớ RAM, card đồ họa càng mạnh càng tốt nếu bạn là game thủ.
Như đã đề cập bên trên, các mẫu vi xử lý AMD mạnh mẽ và giá rẻ hơn so với Intel, có nhiều lựa chọn về card đồ họa hơn. Nhiều mẫu card tích hợp tương thích với vi xử lý AMD đủ mạnh và có khả năng hỗ trợ laptop của bạn chạy mượt mà hầu hết các game hiện tại với những thiết lập xuất hình vừa phải. Radeon HD 3100/3200/3300 – và các mẫu card đồ họa GeForces đều là lựa chọn xứng tầm cho các game thủ có “túi tiền eo hẹp”.
Kết nối mạng
Nên trang bị kết nối Wi-Fi chuẩn n. Ảnh: Brandsizzle. |
Các kết nối không dây Wi-Fi, Bluetooth, và 3G là những lựa chọn đáng quan tâm.
Với kết nối mạng không dây, bạn nên lựa chọn card Wi-Fi Intel cho mẫu laptop nền tảng vi xử lý Intel của mình. Bạn nên trang bị cả thiết bị chuẩn kết nối Wi-Fi n vì vừa phổ biến và lại không quá đắt tiền. Trong khi với laptop dùng vi xử lý AMD, đầu tư thêm có thiết bị Wi-Fi chuẩn n là để phòng xa.
Kết nối Bluetooth nên được nâng cấp với số tiền khoảng 10 USD vì sẽ có lúc bạn cần dùng chuột Bluetooth với laptop của mình. Ngoài ra, còn có thể kết nối laptop với các thiết bị di động sử dụng Bluetooth như điện thoại di động để chia sẻ dữ liệu.
Kết nối Internet qua mạng 3G chỉ có thể thực hiện khi người sử dụng đăng ký dịch vụ với các nhà cung cấp mạng di động.
Tuy nhiên, những tính năng này có thể nâng cấp về sau với các thiết bị chuyển đổi thu nhận tín hiệu gắn ngoài qua cổng USB. Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể bỏ qua các lựa chọn này và sắm một thiết bị USB Adapter với các tính năng tương tự như vậy.
Thời gian bảo hành
Hầu hết các nhà sản xuất đều hỗ trợ bảo hành máy và phụ kiện đi kèm trong thời gian một năm. Ngoài ra họ cũng cung cấp thêm dịch vụ gia hạn thời gian bảo hành cùng hỗ trợ kỹ thuật tốt hơn với các mức phí khác nhau. Một lần nữa, đây lại là lựa chọn mang tích sở thích của từng cá nhân.
Nguyễn Nguyên