toshiba Portégé R830. Ảnh: Tuấn Hưng. |
sony vaio sb và Portégé R830 có thể coi là hai mẫu laptop doanh nhân đáng chú ý nhất tại thị trường Việt Nam hiện tại. Bộ đôi này nằm cùng một khoảng giá 30 triệu đồng với màn hình 13 inch, nhỏ nhẹ, cấu hình tốt và nhiều tính năng cho người dùng doanh nhân.
Tuy nhiên, trong khi laptop của Sony nhấn mạnh nhiều vào thiết kế, thương hiệu, cấu hình thì Toshiba lại tìm đến các tính năng và công nghệ mới, một điểm mạnh của hãng máy tính Nhật Bản.
Vaio S thế hệ mới có kiểu dáng hiện đại và trẻ trung. Ảnh: Pocket-lint. |
Hai model được đem ra so sánh với cùng khoảng giá bao gồm Toshiba Portégé R830 với vi xử lý Intel Core i5-2520M tốc độ 2,5 GHz, bộ nhớ RAM 4GB, ổ cứng dung lượng 500GB tốc độ 7.200 vòng/phút giá tham khảo 31,5 triệu đồng. Bên phía Sony là Vaio VPC-SB28GG/B với cấu hình gồm vi xử lý Intel Core i7-2760M tốc độ 2,7 GHz, bộ nhớ RAM 4 GB, ổ cứng 640 GB tốc độ 5.400 vòn/phút và card đồ họa AMD Radeon HD 6470M giá 30 triệu đồng.
Thiết kế và độ bền bỉ
Đúng với truyền thống của mình, dù là dòng laptop cho doanh nhân nhưng Sony vẫn đem đến Vaio SB những đường nét thiết kế hiện đại và trẻ trung trong khi Portégé lại đậm chất doanh nhân hơn với lớp vỏ nhôm xước sang trọng. Laptop của Toshiba ưu thế hơn cả về cân nặng lẫn độ mỏng với 1,4 kg và 1,9 cm tương ứng trong khi Vaio SB của Sony là 1,74 kg và 2,24 cm. R830 hiện tại cũng là laptop 13 inch có ổ quang mỏng nhẹ nhất thế giới.
R830 ưu thế hơn về độ bền và thiết kế mỏng nhẹ. |
Không chỉ có lợi hơn về thiết kế, Portégé của Toshiba cũng vượt trội đối thủ về độ bền. Mẫu máy này có thể chịu được va đập khi rơi từ độ cao 0,76 mét và chịu được lực đè lên nắp màn hình LCD tương đương 100 kg. Máy cũng có khả năng chống tràn 30 ml. Trong khi đó, laptop của Sony lại không có được các độ bền đáng kinh ngạc như đối thủ.
Cả hai mẫu máy này cũng trang bị màn LCD kích thước 13,3 inch độ phân giải 1.366 x 768 pixel với công nghệ chống lóa, điều tối cần thiết cho người dùng doanh nhân.
Cấu hình phần cứng
Xét về cấu hình phần cứng, Vaio SB lại có ưu thế hơn đối thủ của mình với vi xử lý lõi tứ Core i7 tốc độ 2,7 GHz trong khi R830 chỉ là Core i5 tốc độ 2,5 GHz. Cả hai máy cùng có RAM 4 GB. R830 có ổ cứng dung lượng 500 GB ít hơn đối thủ là 640 GB nhưng lại có tốc độ 7.200 vòng phút, tương đương các dòng máy để bàn trong khi ở Vaio SB là 5.400 vòng/phút giống các dòng laptop phổ thông.
Vaio SB có cấu hình mạnh hơn đối thủ trong cùng tầm tiền. Ảnh: Pocket-lint. |
Laptop của Sony cũng vượt hơn đối thủ về khả năng xử lý đồ họa do máy trang bị card đồ họa rời AMD Radeon HD 6470M.
Thời lượng sử dụng pin
Trong thông báo chính thức của hai hãng, Vaio SB có thời lượng sử dụng pin là 4,8 tiếng trong khi R830 là 7 tiếng. Ở các thử nghiệm thực tế do một số trang công nghệ đánh giá, thời lượng này là hơn 4 tiếng và 6 tiếng tương ứng. Laptop của Toshiba tiếp tục có ưu thế hơn ở "hiệp đấu" này.
Kết nối, bàn phím, bảo mật và các tính năng khác
Cả hai model này đều trang bị các cổng kết nối cần thiết như USB 3.0, USB 2.0, HDMI, VGA và eSATA. Tuy nhiên, Vaio SB ưu thế hơn đối thủ với đèn nền bàn phím để thao tác trong điều kiện thiếu sáng, R830 không có chức năng này.
Cả hai máy cùng trang bị touchpad đa điểm hỗ trợ nhiều cử chị. Thiết lập bảo mật bằng vân tay cũng đều xuất hiện ở bộ đôi này.
Cả hai máy đều trang bị khá đầy đủ cổng kết nối. Ảnh: Pocket-lint. |
Một tính năng khác mà Toshiba hiện đang đi đầu là Sleep & Charge cho phép sạc các thiết bị qua cổng USB của máy tính mà không cần bật. Sony hiện chưa tích hợp tính năng này vào Vaio SB nhưng máy có thể làm việc tương tự đối thủ với cục sạc máy (một linh kiện bán riêng).
Kết luận
Nếu so sánh về các tính năng cho doanh nhân thì R830 có lợi thế hơn với tính bền bỉ, mỏng nhẹ và thời lượng pin lâu trong khi Vaio SB lại hướng đến người dùng hiện đại với kiểu dáng trau chuốt, cấu hình của máy cũng tốt hơn so với đối thủ.
Minh Phương