Windows 7 64-bit sẽ sớm xuất hiện phổ thông trên máy tính. Ảnh: Cnet. |
Trong khi một máy chạy hệ điều hành 32-bit nhận dung lượng tối đa RAM 4 GB, còn máy dùng hệ điều hành 64-bit có khả năng tiếp nhận lượng RAM 128 GB, thậm chí là nhiều hơn. Chưa kể các ứng dụng 64-bit trên lý thuyết có thể dùng đến 16 triệu GB dung lượng bộ nhớ RAM. Vì vậy, số bit cao hơn đồng nghĩa với quá trình xử lý được nhiều hơn, chính xác hơn.
Mặc dù tiềm năng lớn nhưng sự chuyển dịch giữa 2 nền tảng điện toán này diễn ra chậm. Lý do chính là giá RAM cao, chưa có driver hỗ trợ cũng như thiếu các phần mềm ứng dụng 64-bit. Driver rất quan trọng, đây là những trình điều khiển gắn kết, tạo mối liên hệ công việc giữa linh kiện phần cứng và hệ điều hành. Đơn giản như không có driver cho card âm thanh, bạn không thể nghe nhạc trên máy tính.
Nhớ lại khi Windows Vista được phân phối kèm với điều kiện bộ nhớ RAM 2 GB. Để chạy được hệ điều hành này, người sử dụng sẽ tốn thêm vài trăm USD. Chiếm nhiều tài nguyên là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của Windows Vista. Lúc này gần như chưa có ứng dụng 64-bit nào ngoại trừ các game demo thử nghiệm và các nhà sản xuất phần cứng thì chưa phát triển driver 64-bit. Nhưng yếu tố quan trọng hơn là máy tính 32-bit vẫn đang làm thỏa mãn mọi nhu cầu điện toán hàng ngày của người dùng.
Sau 4 năm, nhiều thứ đã thay đổi. Tuy hệ điều hành Windows Vista không gặt hái được nhiều thành công, nhưng đã tạo tiền đề sẵn sàng phát triển driver 64-bit. Bởi Windows 7 sử dụng kiến trúc driver giống với Windows Vista, hứa hẹn sẽ là hệ điều hành 64-bit được chào đón nhất khi phát hành tháng 10 năm nay.
Hiện tại, nếu bạn mua laptop của Dell, HP hay nhiều hãng khác với RAM 4 GB, máy đã được cài sẵn hệ điều hành Windows Vista 64-bit.
Mới đây phiên bản hệ điều hành Windows 7 64-bit đã được chuyên gia tạp chí Cnet chạy thử nghiệm với đầy đủ driver card mạng, card âm thanh, card video 64-bit. Và chắc chắn vào thời điểm Windows 7 chính thức được bán ra, người dùng sẽ không khó khăn gì khi tìm kiếm driver 64-bit cho các linh kiện phần cứng.
Nvidia là một trong nhiều nhà sản xuất phần cứng yêu cầu driver 64-bit cho sản phẩm của mình. |
Tuy vẫn chưa thực sự “bùng nổ” nhiều phần mềm ứng dụng 64-bit, nhưng có rất nhiều lý do để chuyển sang nền tảng hệ điều hành 64-bit.
Dung lượng bộ nhớ RAM lớn hơn. Giá RAM ngày càng giảm, và hệ điều hành 64-bit sẽ tận dụng được dung lượng RAM nhiều hơn. Chắc chắn những máy cài sẵn hệ điều hành Windows 64-bit sẽ có ít nhất 4 GB RAM.
Tương thích ngược. Hiện tại, hầu hết các phần mềm 32-bit đều chạy được trên hệ điều hành Windows 64-bit. Có nghĩa là hệ điều hành 64-bit sẽ chạy được cả các ứng dụng 32-bit lẫn 64-bit.
Tăng độ ổn định của phần cứng. Đi kèm hệ điều hành Windows 64-bit, Microsoft thắt chặt hơn chữ ký điện tử (digital signature) của driver để tránh các linh kiện phần cứng bị làm giả dễ gây sự cố trong quá trình chạy hệ điều hành. Bên cạnh đó, phần mềm, đặc biệt là game và ứng dụng đồ họa, đa phương tiện sẽ cho hiệu năng cao hơn.
Song cũng sẽ không tránh khỏi một số trở ngại. Trước tiên vẫn là vấn đề tương thích của driver bởi một số thiết bị như máy in, máy scan chưa thể làm việc với hệ điều hành Windows 64-bit. Tiếp đến là phần mềm 16-bit viết cho hệ điều hành Windows 3.1 và DOS sẽ không còn được hỗ trợ. Khá “nhức nhối” các bộ mã né và giải nén định dạng video (codec) làm việc chưa tốt trên nền Windows 64-bit, đặc biệt là Media Center. Ngoài ra, vì phần mềm 32-bit có thể chạy tốt trên Windows 64-bit sẽ khiến các hãng không muốn “đổ tiền của” sang phiên bản 64-bit.
Quan trọng hơn, cùng với Windows 7, nền tảng hệ điều hành 64-bit sẽ đem lại các hệ thống máy bàn (Desktop), laptop thực thi tốt hơn và chậm lại phía sau là Netbook tiết kiệm điện năng nhưng thực thi các ứng dụng kém.
Apple cũng đang có cùng hướng dịch chuyển khi sắp cho ra mắt phiên bản hệ điều hành Mac OS mới, Snow Leopard bên cạnh nhiều ứng 64-bit đã được phát triển của hãng như Finder, Mail, Safari, iCal, iChat.
Hệ điều hành Windows 64-bit chính thức có mặt từ tháng 5/2005 với phiên bản XP Professional x64, trong khi Windows XP 32-bit đã bán ra được 4 năm. Đến cuối 2006, Microsoft tung ra cùng lúc 2 phiên bản hệ điều hành Windows Vista 32-bit và 64-bit. Tuy nhiên, người dùng hệ điều hành 64-bit vẫn còn rất hạn chế. Điều này đang dần thay đổi, bởi trong 2 năm trở lại đây, Windows 64-bit đang dần có được chỗ đứng vững chắc trong nghành công nghiệp PC khi có rất nhiều laptop bán ra cài sẵn hệ điều hành này, nhưng lại đòi hỏi cấu hình máy cao, như với dung lượng bộ nhớ RAM 3 GB. Sự ra đời của hệ điều hành mới Windows 7 “tiết kiệm tài nguyên” sẽ là “đòn bẩy” cho điện toán 64-bit. |
Nguyễn Nguyên (theo Cnet)