Chiếc áo dài có giá 6000 USD (khoảng 132 triệu đồng) của Chí Anh trở thành đề tài được nhiều người bàn tán.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng những sản phẩm được thiết kế đặc biệt, tỉ mỉ và mang nhiều sự sáng tạo có mức giá cao là hợp lý thì cũng không ít ý kiến cho rằng Chí Anh và NTK đã "nổ" khi công khai mức giá trên trời.
NTK Xuân Thu là người đã đưa ra rất nhiều ý kiến về tính thiết kế, thẩm mỹ và giá trị của mẫu áo dài đó và kết luận mức giá 6000 USD quá cao so với thực tế.
Cận cảnh mẫu áo dài dát vàng có giá 6000 USD.
Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ đã chọn họa tiết áo là những chữ song hỷ được cắt theo form chữ nhật và xếp đều trên thân áo. Những chữ song hỷ trên áo được tạo nên bởi vàng lá và dát trực tiếp trên thân áo bằng công nghệ cao.
Cùng trò chuyện với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam về mẫu áo dài đắt giá đang gây xôn xao.
- Không chỉ riêng NTK Xuân Thu, nhiều nhà thiết kế khác cũng lên tiếng cho rằng việc áo dài 6000 USD là “nổ”, anh thấy sao?
Với tôi những phát biểu của những người được gọi là những nhà thiết kế đó thì cái tôi của họ quá lớn và họ đã có những cái nhận xét khi mà chưa biết rõ rằng những sản phẩm đấy cụ thể.
Chưa được sờ thấy, chưa được nhìn thấy thì không nên đưa ra ý kiến. Nhiều người đã nhân dịp hạ thấp sản phẩm của tôi để nâng sản phẩm của mình lên.
Điều này cũng không có gì lạ, nó không làm tôi buồn mà nó còn trở thành động lực để tôi có thể thiết kế những sản phẩm cao cấp hơn nữa. Đó là những sản phẩm 10000 USD - 100.000 USD để không những phục vụ cho những khách hàng trong nước mà còn phục vụ cho những khách hàng là doanh nhân, là chính khách nổi tiếng của thế giới để họ thấy yêu quý hơn thương hiệu áo dài Việt Nam nói chung và thương hiệu của tôi nói riêng.
- Anh có điều gì muốn nhắn gửi tới những người đang nghi ngờ và cho rằng mẫu áo dài của anh không đáng với mức giá hơn 130 triệu đồng?
Khi thiết kế chiếc áo dài cho Chí Anh, giá tiền không phải điều đầu tiên tôi nghĩ đến, điều đầu tiên tôi nghĩ đến đó là đối tượng tôi thiết kế.
Trên thị trường hiện nay các mẫu áo dài rất nhiều, các thiết kế thường giống nhau chưa tạo nên sự độc đáo. Và quan trọng nhất là tôi nhận ra rằng những đối tượng là cô dâu, chú rể, bố mẹ, ông bà hai bên là những người xứng đáng được có những thiết kế áo dài thật đẹp để họ mặc trong dịp trọng đại.
Không phải NTK nào cũng có thể hướng tới và làm được điều đó. Chính vì vậy, tôi thấy được rằng sứ mệnh và trách nhiệm của mình là phải thiết kế cho những người đang có nhu cầu.
Việc mình ăn mặc thế nào cũng thể hiện sự tôn trọng đối với người khác.
Những sản phẩm áo dài dát vàng thường thiết kế cho cô dâu, chú rể, bố mẹ, ông bà hai bên. Họ sẽ có những bộ áo dài khác biệt hẳn so với những bộ áo dài đang có trên thị trường hoặc của các nhà may.
Bởi vì vậy tôi đã đầu tư rất nhiều tỷ đồng cho những công nghệ đó để có thể thực hiện được những sản phẩm cho những khách hàng yêu quý.
Đó chính là mong muốn của tôi, có những bộ sản phẩm chỉ vài chục triệu đồng thôi nhưng trong thời gian tới tôi sẽ có những sản phẩm không chỉ vài trăm triệu đồng mà nó còn là hàng tỷ đồng dành cho những người muốn sự khác biệt.
Khách hàng bây giờ là thượng đế quan trọng là tôi có đủ tình yêu có đủ kiến thức để có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Đó là câu chuyện kinh doanh vừa là câu chuyện thiết kế.
Bây giờ tôi thấy cũng giống như thập kỷ 90, thời bao cấp có những người có nhiều tiền nhưng họ cũng không tìm đâu ra những NTK hoặc nhà may nổi tiếng để may cho họ những bộ trang phục đẹp, ưng ý.
Những năm gần đây rất nhiều khách hàng muốn có trang phục đẹp, họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền ra nước ngoài mua của các NTK nổi tiếng.
Tôi thấy rằng tại sao với một nhu cầu như vậy mình không thiết kế để đáp ứng thay vì phải mua của nước ngoài. Tôi phục vụ thị trường, tôi đem lại cho khách hàng và đóng góp cho nền kinh tế của đất nước thì đó là điều chính đáng chứ không thể nào so sánh số tiền để đánh giá sản phẩm của tôi.
- Anh có thể chia sẻ kỹ hơn về công nghệ dát vàng cho áo dài?
Những miếng dát vàng, những miếng quỳ vàng của tôi rất sắc nét - đó là điều tạo nên sự đặc biệt và khác biệt.
Tôi đã phải đầu tư một máy in keo để quỳ vàng đó có thể in trên những thanh keo đó lên trên vải để tạo nên sự sắc nét.
Và các sản phẩm sẽ tạo nên tính độc đáo nhưng vẫn phải kết hợp những công nghệ hiện đại. Đó là điều khác biệt của tôi và không phải nhà thiết kế nào cũng làm được.
Vì vậy, khi họ chưa chạm tay vào công nghệ đó thì những nhận xét đánh giá là chuyện bình thường vì họ nghĩ tôi vẫn làm theo cái cách của họ.
NTK chuẩn bị những thao tác để thực hiện quá trình dát vàng trên sản phẩm.
Hình ảnh hoạ tiết được dát vàng trong một mẫu thiết kế khác của Đỗ Trịnh Hoài Nam.
- Trên facebook cá nhân, anh chia sẻ rằng việc các NTK phản đối mẫu áo dài của anh để gây chú ý, anh giải thích sao về điều này?
Tôi nghĩ rằng đây là lẽ bình thường bởi vì con người bao giờ cũng có lòng đố kỵ nhất là đối với một số NTK cái tôi của mình quá lớn. Họ cũng muốn chứng minh cái tôi của mình.
Tôi thấy rằng đây cũng chính là cơ hội để tôi có những động lực để tôi thiết kế những BST khác tốt hơn.
Lễ hội áo dài tháng 10 này được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, tôi sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ dát vàng.
Thay vì nói tôi sẽ làm nên những sản phẩm đó, việc đầu tiên sẽ giúp cho những khách hàng, những người yêu thời trang có thể sử dụng những bộ áo dài còn những ai không có điều kiện sử dụng thì họ có thể biết thêm được những công nghệ mới, những văn hóa mới về áo dài.
Điều quan trọng hơn nữa là có những động lực để hình ảnh áo dài Việt Nam đến gần hơn với các bạn bè quốc tế và họ yêu quý hơn thương hiệu áo dài Việt.
- Việc một sản phẩm bị đem ra bàn tán và có nhiều ý kiến trái chiều có phải sự cố “để đời” trong sự nghiệp của anh?
Đây không phải sự cố của tôi! Đó là một việc rất bình thường bởi trong môi trường thiết kế hiện nay có rất nhiều sự đố kỵ giữa các nhà thiết kế.
Với quan điểm của tôi, đây có lẽ là một điều tích cực.
Đây sẽ là một bài học trở thành một ví dụ trực quan cho những người học sinh của tôi. Hãy cố gắng làm việc đi, hãy tạo ra phong cách của riêng mình để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Khách hàng sẽ mua những sản phẩm của mình với giá cao.
Với cá nhân của tôi, đây là những trải nhiệm. Đây cũng chính là dịp để tôi nhắn nhủ - nói với các bạn học viên của tôi - những nhà thiết kế trẻ rằng:
"Hãy làm việc và hãy sống vì sứ mệnh của mình để cho thương hiệu áo dài Việt Nam ngày càng phát triển, mình sẽ được nhiều lợi ích trong đó, thay vì đem những cái tiêu cực, những sự đố kỵ tới sẽ làm hỏng hình ảnh áo dài Việt Nam.