Từ triết lý về sự dịch chuyển đó mà Tiền Nhân đã khám phá ra Lý Đồng Nhi Dị hay Dị Nhi Đồng nghĩa là Lý Giống Mà Khác hay Khác Mà Giống. Rồi Tiền Nhân đặt cho cái danh chung của Giống và Khác là Âm và Dương hoặc ngược lại, gọi là TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG.
Với góc nhìn Âm Dương thì mọi thứ quy chung lại đều có điểm Giống và Khác nhau, không có thứ gì hoàn toàn giống hoặc hoàn toàn khác. Từ Triết Lý Âm Dương Tiền Nhân đã nghiệm ra Luật Cấu Tạo Hóa Thành nên mọi thứ với công thức hết sức đơn giản và hợp lý là Chưa – Manh Nha – Hóa Thành. Mọi thứ đều biết dịch chuyển, biến hóa theo một cái lý của dịch nên gọi là Dịch Lý.
Tóm lại: Lý Dịch gồm có Nhất Lý là Lý Đồng Nhi Dị và Nhất Luật là Luật Cấu Tạo Hóa Thành. Từ nhất Lý và nhất Luật này đủ để biết mọi giai đoạn vận hành biến chuyển của mọi thứ.
☯ Lý Dịch có ảnh hưởng gì trong đời sống và quyết định của con người?
Con người luôn sống động trong cái lý của Dịch. Nói cách khác mọi hoạt động của con người đều bị và được Lý Dịch chi phối, từ lý trí, tư tưởng cho đến hành động, từ chủ quan đến khách quan, từ các giai đoạn sinh trưởng của con người như: Sinh – Lão – Bệnh – Tử…
Mọi quyết định và hành động của con người đều bị và được chi phối của Dịch Lý. Ngay cả đại thi hào Nguyễn Du đã đúc kết ngắn gọn nói lên điều này:
“…Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao…”
“Phong trần và thanh cao” đâu phải ai muốn là cũng được hoặc ai tránh là cũng được. Vì trong cuộc sống ta luôn giao dịch với các yếu tố khách quan của xã hội bên ngoài mà ta thường hay nói là Hên hoặc Xui khi yếu tố khách quan thuận ý ta hoặc nghịch ý ta.
Ngoài ra còn có câu: “Mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên”. Cũng nói lên sự ảnh hưởng của Lý Dịch ở môi trường bên ngoài trực tiếp can thiệp mọi quyết định tính toán và hành động chủ quan cùa con người.
☯ Biết Dịch Lý là biết uyển chuyển và có nhiều góc nhìn hơn trong cuộc sống:
Trong cuộc sống của con người luôn trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm biến dịch. Từ đó Tiền Nhân mới khuyên:
- “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài
Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”
Mỗi người ai cũng có một tính riêng biệt, tuy nhiên đôi lúc ta phải biết thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh gặp phải để tốt hơn.
☯ Biết Dịch Lý là để Tri thiên mệnh rồi Tận nhân lực:
Tri Thiên Mệnh là biết được sự biến thiên thời vận như thế nào, để ra hết sức lực của mình mà hành động, để không bị trường hợp uổng công phí sức khi lầm đường lạc lối.
Cái biết này đã được nhân gian nhắc đến qua Ca Dao Việt Nam:
“Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”.
(ca dao vn)
Bởi nắng mưa là chuyện thời mùa khí tiết của Trời Đất là yếu tố hết sức khách quan, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến trồng trọt của nhà nông. Ca dao đã mượn hình ảnh “Đi cấy” không phải chỉ đển “Đi cấy” mà còn phải nhìn xa trông rộng, để biết sự vận hành biến đổi của nắng mưa sấm sét mà biết thời điểm để “gieo hạt – cày cấy” sao cho đúng lúc mưa thuận gió hòa để có mùa thu hoạch tốt nhất.
☯ Biết Dịch Lý để chọn lựa và đưa ra giải pháp tốt nhất trong đời sống.
Với Lý Dịch ta biết được từng giai đoạn đã, đang, sẽ đi qua và gặp phải được diễn tiến như thế nào, từ đó ta có sự lựa chọn và đưa ra giải pháp thích hợp mà quyết định và hành động một cách tốt nhất.
Biết Lý Dịch là ta biết được một ngôn ngữ chung của muôn loài vạn vật, nhằm hòa nhịp chung giai điệu của Vũ Trụ muôn loài. Một cuộc sống an vui lạc nghiệp và bình thản.
Thanh Từ – Dịch Học Sĩ: Trần Quốc Thái
Đón đọc kỳ sau: Quy luật của tạo hóa là gì?