"Gạo nếp gạo tẻ" - một bộ phim về gia đình Việt với những mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu , mẹ vợ và con rể, giữa vợ chồng và những mối quan hệ tưởng chừng như đơn giản hằng ngày lại trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Tất cả được đẩy lên cao trào khi những mâu thuẫn trong các mối quan hệ không thể giải quyết được bằng lời và đôi khi bị đẩy đến bờ vực tan vỡ, chia ly. Nhưng suy cho cùng, những nhân vật trong phim chưa dành tình yêu thực sự lớn để đỗi đãi với nhau, chính vì vậy những hiểu lầm cứ thế lớn dần. Nếu như họ có thể dành cho nhau ánh mắt thông cảm, sẻ chia và hiểu cho hoàn cảnh của mỗi người thì có lẽ mọi chuyện đã khác.
Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn đã chẳng bao giờ "cơm lành canh ngọt" nay được đưa vào "Gạo nếp gạo tẻ" một cách đầy chân thực giữa bà Đào và bà Mai. Bà Đào vốn không ưa con dâu vì sinh mãi mới được thằng cháu đích tôn. Con dâu nhà mình chẳng chiều chuộng mẹ chồng như con dâu nhà người ta nên bà thường xuyên móc máy, mỉa mai, nói xấu với con trai. Dù không dám hỗn láo nhưng bà mai chẳng ngại trả treo mỗi khi mẹ chồng bóng gió mình.
Ở địa vị khác, bà Mai ghét cay ghét đắng Kiệt - cậu con rể sa cơ lỡ vận. Khi anh không còn khả năng để chu cấp cho vợ con cũng như gia đình nhà vợ, kiệt bị mẹ vợ coi thường, khinh miệt, coi như đồ ăn nhờ ở đậu trong nhà.
Diễn biến phim về sau không khỏi bất ngờ khi bà Mai thay đổi thái độ đối xử tốt với Kiệt và mong muốn Kiệt coi mình như mẹ ruột. Vậy sự tác động nào đã hoá giải tất cả mâu thuẫn trước đây giữa kiệt và bà mai ?
Dù chẳng ưa nhau nhưng sự thật sâu bên trong không thể phủ nhận đó là Kiệt luôn đối xử chân thành với mẹ vợ. Những sự chân thành đó được thể hiện qua cách Kiệt cõng mẹ vợ trên lưng chạy vào bệnh viện khi bà Mai bị kiệt sức. Hay bà Mai cũng luôn đối xử chân thành với mẹ chồng khi bà Mai luôn nấu những món ăn mà bà Đào thích.
Xã hội hiện tại cũng xuất hiện nhiều nàng dâu, chàng rể sống thiếu chân thành. Họ chọn cách cư xử với nhau bằng nghĩa vụ chứ không xuất phát từ tấm lòng yêu thương thật sự. Rằng trước mặt có thể điều một, điều hai quan tâm đến bố mẹ nhưng sau lưng lại hậm hực hay sẵn sàng buông lời khó nghe. Cũng có những bà mẹ chồng, mẹ vợ chọn vật chất làm thước đo tình cảm. Đứa giàu thì thương, đứa nghèo xem như đồ vứt đi. Không coi con dâu, con rể như con ruột của mình nhưng lại đòi hỏi chúng phải đối xử với mình như mẹ ruột?!
Thay vì cứ quẩn quanh trong cái câu nói cổ hủ của người xưa như nàng dâu chàng rể “khác máu tanh lòng”. Sao chúng ta không mở lòng, đối xử với nhau cho tốt đẹp mà không toan tính thiệt hơn như cách mà Kiệt đã làm hay bà Mai, bà Đào đổi thay ở quãng cuối phim?
Bà Mai và Kiệt, họ đã ngồi lại với nhau, nói hết cho nhau nghe suy nghĩ của mình. Để rồi, họ hứa từ giờ sẽ chỉ dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất, bù đắp lại những thiệt thòi đã trải qua. Bà Đào cũng thông cảm cho con dâu, không hạnh họe, chì chiết, thậm chí còn phân công công việc gia đình để giúp đỡ con dâu.
Những mâu thuẫn, bí bách không được xử lý sớm, lâu ngày trở thành sự uất ức khó tả rồi đến lúc bùng nổ, làm bung bét tất cả. Vết bẩn mới sẽ dễ rửa sạch, để lâu ngày, chất bẩn dày lên, cáu lại, việc làm sạch nó chẳng còn dễ dàng nữa. Thực tế nhiều khi, có những mối quan hệ người ta không ưa nhau nhưng cả hai đều không có lỗi, chỉ là có chút hiểu lầm không nói ra được, không hóa giải được thì lại thành ghét nhau.
Hãy sống chậm một chút, cùng đối thoại với mẹ chồng, mẹ vợ. Tâm sự, thủ thỉ xem tất cả còn điểm nào chưa hài lòng về nhau, rồi mạnh dạn bày tỏ mong muốn của mình. Chắc chắn, kết quả nhận được sẽ là những tiếng cười và sự cảm thông sâu sắc. Cuộc sống rất công bằng, một tấm lòng lương thiện trao đi sẽ nhận lại một tấm lòng đáng quý hơn.