Hoài Linh là đồng hương Quảng Nam nhung khác huyện với tôi, anh huyện Đại Lộc còn tôi quê Thăng Bình. Tôi biết gia đình anh từ khi hai gia đình tình cờ cùng lưu lạc đến xã Cam Đức (nay là thị trấn), huyện Cam Ranh (Khánh Hòa) những năm cuối thập niên 1960 do chiến tranh. Mẹ anh hồi ấy nổi tiếng khắp vùng vì bà làm nghề hộ sinh và có hẳn một nhà bảo sanh tư lấy tên cô con gái đầu, chị Hai của Hoài Linh, là Phương Trâm. Mẹ tôi khi lâm bồn em gái út tôi cũng đến nhờ đôi tay giỏi khéo của bà đỡ đẻ. Hoài Linh sinh ra và có những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp tại đây. Anh chỉ cơ cực khi gia đình chạy vào Long Khánh những năm đầu sau giải phóng. Gia đình anh sau đó lại trở về sống tại Cam Đức một thời gian trước khi sang Mỹ định cư năm 1993. Từ khi về sinh sống ở TP.HCM, mỗi lần có dịp đi diễn miền Trung, Hoài Linh bao giờ cũng ghé thăm mộ bà nội ở Cam Đức. Ngôi nhà mẹ tôi ở gần nghĩa trang, khi nào đi ngang anh cũng tạt vào chào và biếu mẹ tôi chút quà. Mỗi lần tôi về, mẹ hay khoe : “Thằng con bà Phương Trâm trên ti vi có ghé đây thăm má".
Xuất thân trong một gia đình có học, đạo đức nền nếp, bản thân từng nếm trải những nhọc nhằn, lại đến với nghề bằng nỗi hoài nghi ẩn chứa sự khiêm nhường... có lẽ chừng ấy thứ kết lại đã làm nên một Hoài Linh mà những gì anh đem lại cũng dễ tạo ra những "hoài nghi" nơi công chúng. Cách sống giản dị của anh gần như không ăn nhập gì tới vẻ hào nhoáng của thế giới giải trí. Anh không bao giờ đòi hỏi giá cát-sê, người ta trả bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Cả khi người ta đem đến cho anh tiền tỷ trả công cho sự có mặt trong một bộ phim chiếu Tết hoặc một game- show, Hoài Linh vẫn hành xử như cách anh vẫn quen sống. Xem xe cộ chỉ là phương tiện di chuyển nên đi "con" gì cũng được miễn đừng giở chứng hỏng hóc dọc đường làm lỡ việc. Ăn là để sống nên có gì ăn nấy, càng gọn nhẹ càng tốt nếu được "hít hà" với các loại mắm ưa thích thì không gì bằng. Chuyện mặc cũng vậy, trừ trang phục dành cho những dịp xuất hiện long trọng, còn quần áo hằng ngày, anh đi ngang phố, thấy cửa hàng treo cái nào vừa mắt thì ghé vào mua, không quan tâm đến nhãn hiệu. Sức khỏe vốn không được tốt anh thường bị hạ đường huyết nên đi đâu cũng mang theo máy đo và thuốc huyết áp.
Trong mắt đồng nghiệp, Hoài Linh là người sống có tình, ai hoạn nạn là giúp, hòa đồng, không phân biệt sang hèn, nhưng lại rất kỹ tính trước những điều thuộc về lễ giáo truyền thống, đòi hòi mình và những "đệ tử' phải biết hiếu thảo, kính trên nhường dưới. Cuối tháng 11/2014 vừa qua, anh bỏ hết các sô để qua Mỹ cùng anh chị em trong nhà tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày cưới của cha mẹ. Tết âm lịch năm nào anh cũng đưa hai cụ về Việt Nam ăn Tết. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu đến nay vẫn còn nguyên sự xúc động, khi nhớ lại buổi lễ bái sư rất trang trọng Hoài Linh dành cho ông sau khi được ông hướng dẫn đóng thành công những vai kịch dài, được giới chuyên môn công nhận. Hôm ấy, Hoài Linh đã khóc khi ôm và gọi ông bằng thầy. Cũng không mấy ai biết khi nhận giải Cù nèo vàng (Tuổi Trẻ Cười) cho vai ông già trong vở Ông bà vú 5 năm trước Hoài Linh đã "mừng run", mặc dù tiền thưởng không đáng là bao, chỉ hai triệu đồng, nhưng giải thưởng về tinh thần với anh lại rất lớn, mười mấy năm làm kịch hài chưa bao giờ được giải. Anh "quyết" không bao giờ xài, đem số tiền thưởng ép sau tấm giấy khen để giữ làm kỷ niệm.
Nghệ sĩ Hữu Lộc lúc sinh thời vẫn thường nhắc tới tấm lòng của Hoài Linh dành cho đàn em trong sân khấu Nụ Cười Mới, mà nếu không có tấm lòng đó, chắc sân khấu này sẽ không tồn tại được cho đến hôm nay. Một bữa, danh hài Hoài Lình có việc đi ngang rạp Công Nhân (30 Trần Hưng Đạo, Q.l, TP.HCM), thấy các diễn viên trong nhóm Nụ Cười Mới đang lui cui làm vệ sinh trước tiền sảnh, biết nhóm đang ăn nhờ ở đậu Nhà hát Kịch TP và muốn tìm chỗ đứng nhưng không có điểm tựa, anh hỏi: "Các em có dám chơi, làm một sân khấu mới không?". Hữu Lộc nói: "Nếu có anh chơi chung, tụi em sẽ dám". Hoài Linh cười, bật nói: "Tụi em dám chơi, việc gì anh không dám!". Chỉ một câu vậy thôi là sân khấu Nụ Cười Mới với con "át chủ bài" Hoài Linh ra đời. Sân khấu này bao năm, do số ghế không nhiều nên doanh thu không phải lúc nào cũng như ý, tiền cát-sê đưa bao nhiêu Hoài Linh nhận bấy nhiêu, không đòi hỏi gì, thậm chí có đêm vắng khách, trước khi ra về, anh còn cầm tiền vừa lãnh chia hết cho anh em hậu đài. "Nếu Hoài Linh là người tính toán, kiêu căng thì Nụ Cười Mới không bao giờ mời được", anh em trong nghề đều nghĩ như vậy. Họ còn gọi anh là "nhân hậu tiên sinh", ai tới khóc lóc, ỉ ôi là giúp, mặc dù có khi anh biết người ta lợi dụng mình.
Việc nhận con nuôi "ồ ạt" của "nhân hậu tiên sinh" cũng khiến dư luận hoài nghi. Thật ra, ngoài những người con ruột đang sống ở Mỹ và không theo nghề cha, nghệ sĩ Hoài Linh chính thức có bốn người con nuôi, gồm Hoài Lâm, bé trai Nguyễn Hoàng Quân (bé Ben, 10 tuối), bé gái Kim Cương (hai tuổi, con của nghệ sĩ Hồng Tơ) và Thái Trân, thí sinh trong cuộc thi Tôi là người chiến thắng. Anh tâm sự rằng, chuyện nhận con nuôi là cái duyên bất ngờ, không hề định trước và hoàn toàn mang ý nghĩa "bảo trợ tinh thần", giúp đỡ về mặt nghề nghiệp là chính. Trường hợp nhận con nuôi làm bất ngờ ngay cả chính anh là "đứa con" thứ tư Thái Trân. Với tư cách là MC, tiếp xúc với thí sinh sau hậu trường, ban đầu anh gọi Thái Trân là em vì cách nhau có 10 tuổi. Khi biết cô phải dốc hết sức lực cho cuộc thi giữa lúc đang mang nhiều bệnh nặng, lại đã lâu thiếu vắng tình cha, thấy anh vỗ về an ủi, cô quá xúc động ôm chắm lấy và buột miệng gọi anh là bố, Hoài Linh thực sự thấy thương cảm. Anh tin rằng ít nhất anh cũng là chỗ dựa tinh thần cho cô trong những lúc cô phải chống chọi với bệnh tật giúp cô có thêm niềm tin ở những ngày khó khăn phía trước.
Cát Vũ (Phụ Nữ)
Có thể bạn quan tâm: