"Vừa đi vừa khóc” vì tên phim vừa dài, vừa khó hiểu
"Like: Tình yêu - thời trang - khăn rằn" là bộ phim truyền hình của đạo diễn Đỗ Thành An được chiếu trên kênh SCTV1 đã gây bức xúc cho khán giả ngay từ cái tên vừa lạ lẫm, vừa dài lại vừa khó hiểu. Nhiều khán giả tỏ ra khó chịu khi vừa đọc tên phim, nhất là từ "like" ngay ở đầu tên phim. Trả lời thắc mắc này, đạo diễn phim trả lời rằng: "Tôi muốn tác phẩm của mình mang hơi thở cuộc sống hiện đại nên "Like: Tình yêu - thời trang - khăn rằn" cũng chẳng phải điều gì cao siêu lắm. Chữ like rất quen thuộc với người dùng mạng, đó cũng là gu riêng của nhân vật chính do Dương Cẩm Lynh thủ vai và chúng tôi xác định việc chiếm đoạt like là mạch chính của phim”. Lời giải thích có vẻ hợp lý xong không phải khán giả nào cũng có thể hiểu hết hàm ý của tên phim này.
Một bộ phim điện ảnh có doanh thu khủng của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng mấy năm trước cũng làm xôn xao dư luận một thời gian không chỉ bởi nội dung đề cập đến vấn đề đồng tính khá nhạy cảm mà còn gây chú ý cho khán giả bởi cái tên dài lê thê, lại khó hiểu là "Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt". Chỉ nghe cái tên thôi cũng đã thấy đủ độ "nổi loạn" của ngôn từ, để nhớ tên phim chắc khán giả không còn cách nào khác bằng "học thuộc lòng". Tên phim này cũng khiến khán giả khó nhận ra nội dung phim nói chủ yếu về nhân vật nào, cốt truyện ra làm sao?
Vị đạo diễn - nhạc sĩ Nhất Trung và nhà sản xuất Saigon Movies cũng từng khiến khán giả phải "méo môi" khi đọc tên phim: "Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó". Nếu đọc lần đầu có lẽ khán giả sẽ phải dụi mắt nhiều lần để xem lại cái tên "độc, lạ" này, bởi ai cũng nghĩ phải sắp xếp là "Ca sĩ, siêu mẫu, nhà khoa học và con chó" mới gọi là chuẩn. Tuy nhiên, đó lại là tên chính thức của phim, khán giả muốn đổi lại cho "thuận mồm" cũng khó.
Gần đây, tên phim "Già gân, mỹ nhân và găng tơ" do vợ chồng diễn viên Thanh Thúy - Đức Thịnh đóng vai trò là nhà sản xuất cũng gây tranh cãi gay gắt trong dư luận. Diễn viên Thanh Thúy cho rằng, sự tham gia của ca sĩ Tóc Tiên với vai "mỹ nhân" có thể sẽ trở thành điểm nhấn tốt cho phim và trở thành "ngôi sao phòng vé" trong mùa Giáng sinh năm nay. Đúng là sự bốc lửa của Tóc Tiên có duyên với vai "mỹ nhân" và tên phim có từ "mỹ nhân” là không sai nhưng nhiều khán giả tỏ ra lạ lẫm, không hiểu cái sự "già gân" và "găng tơ" ở trong tên phim này là gì?
Cần sự dung dị, gần gũi với đời sống
Có thể nói thành công ban đầu của bộ phim chính là tên phim phải hay. Sự độc, lạ của một số tên phim kể trên chỉ đáp ứng nhu cầu tò mò của khán giả và câu khách của nhà sản xuất chứ không mang lại nhiều hiệu quả cho bộ phim. Tên phim muốn hay trước tiên phải chuẩn về ngữ, nghĩa và nên làm cho nó ngắn gọn, dễ hiểu để khán giả chỉ cần đọc tên phim một lần cũng có thể nhớ tên. Và lại, sự "dễ hiểu" tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là yếu tố quyết định đến sự thấu hiểu của khán giả. Để đạt đến tận cùng của sự thấu hiểu nội dung phim, đồng cảm với nhân vật trong phim trước tiên phải "phổ cập hóa" tên phim, ai đọc cũng hiểu và đều hiểu theo thông điệp, dụng ý của tác giả. Đó cũng là một cách để thể hiện lối sống và thụ hưởng "hiện đại", vì thời gian của khán giả dành để nghe phân trần, giải thích về tên của phim tại sao lại như thế này, thế kia rất mất thời gian. Nhiều khán giả vì thế thiếu thiện cảm với bộ phim và điều đó chính là thất bại của bộ phim cũng như ê-kíp sản xuất.
Phim Việt hiện nay đang trôi theo dòng chảy phim thị trường nên tên phim cũng được đặt pha trộn, lai căng để bộ phim hút khách, không bị đụng hàng nhưng lại làm mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Điều đó dẫn đến sự lố lăng, phản cảm. Dẫu biết rằng sự sáng tạo, phá cách là quan trọng song nó vẫn phải theo quy chuẩn về ngôn ngữ. Đó là một cách tôn trọng và giữ gìn nét văn hóa ngôn ngữ của dân tộc. Hơn nữa, tiếng Việt của dân tộc ta vừa giàu, vừa đẹp thì cớ gì chúng ta lại phải đi mượn tiếng nước ngoài hoặc biến dạng tiếng Việt tùy tiện để rồi chuốc "lố" lên tên phim.
Việc đặt tên phim khó hiểu cũng đánh giá phần nào tầm nhìn "ngắn" của những nhà sản xuất. Nếu như bộ phim chỉ thỏa mãn được mong muốn giật gân, câu khách tức là nhà sản xuất đang chú ý đến phần "nổi" mà quên đi những giá trị cốt lõi là giá trị nội dung, tinh thần và nhân văn của tác phẩm. Vả lại, không ít bộ phim Việt làm quá trong cách đặt tên, quảng bá phim nhưng lại không làm tới bến nội dung phim cũng đã khiến khán giả cảm thấy hụt hẫng. Điều này không khác nào việc mặc một chiếc áo quá rộng cho bộ phim ấy. Sự thất vọng của khán giả dành cho bộ phim đồng nghĩa với việc rút ngắn "tuổi thọ" của chính bộ phim ấy. Chắc hẳn đó là điều không mong muốn của tất cả các nhà làm phim.
Có thể nói, tên phim chính là một phần linh hồn của bộ phim. Trong thực tế có khá nhiều bộ phim Việt được đặt tên rất ngắn gọn, đời thường, giản dị nhưng lại đem đến những hiệu quả lớn cho bộ phim như : Chung một dòng sông, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang, Con chim vành khuyên, Áo lụa Hà Đông, Đất phương nam, Phía trước là bầu trời, Đất và người, Của để dành,... hay gần đây nhất là "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Và các nhà sản xuất nên chăng đừng tự làm khó mình, hãy lựa chọn những gì dung dị, gần gũi với đời sống con người cho tên phim để nó khỏi bị lạc lõng, xa cách với tất cả các tầng lớp, lứa tuổi khán giả. Đó cũng là cách tôn trọng với khán giả, những người luôn đặt niềm tin vào sự phát triển của phim Việt.
Theo Hồng Giang/ Pháp luật & Xã hội