Nóng hổi tính thời sự
Bà Lê Thị Bình, người nhiều năm làm việc cho các dự án hỗ trợ người yếụ thế tìm đạo diễn Nguyễn Ngọc Thúy để trao đổi địa chỉ thư điện tử, ngay khi buổi chiếu vừa kết thúc hôm 30.5.
“Chị sẽ gửi cho em một địa chỉ. Chị Tâm (nhân vật trong phim - NV) có thể liên hệ để nhận được sự giúp đỡ”, bà Bình nói. Đá nở hoa kể về chị Lê Thị Tâm, người phụ nữ đã bị chính chị gái của mình bán sang Trung Qụốc. Phim nói về sự ân hận, đến mức không dám về giỗ bố mẹ của người chị gái thiếu hiểu biết, cùng sự ái ngại của cộng đồng.
Nhưng hơn cả, phim nói đến sự khó khăn khi bỏ trốn trở về của chị Tâm. Ngay tại quê hương mình, H.Hoài Đức, Hà Nội, cuộc sống của chị rất chênh vênh bởi không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào. Việc làm lại chứng minh thư, hộ khẩu cũng lắm nhiêu khê.
“Chúng em hướng dẫn chị ấy cách khai giấy tờ. Rồi cũng có một cách là nhờ người cùng làng cho chị ấy ghi tên vào chung sổ hộ khẩu. Nhưng mọi người thương mà vẫn sợ vì ghi tên vào lại liên quan đến chuyện quyền sở hữu đất đai, tài sản” nữ đạo diễn nói. Bộ phim tài liệu của cô không chỉ chạm vào, nó còn mở ra nhiều câu hỏi về số phận con người, về một nền hành chính cơ sở cứng nhắc, sự thiếu hiệu quả của hội phụ nữ... Bây giờ, sau buổi công chiếu, một cơ hội có giấy tờ tùy thân cho chị Tâm đang mở ra.
Không chỉ có Đá nở hoa, những tác phẩm khác trong dự án “10 tháng 10 phim tài liệu” cũng nóng hổi thời sự, nóng hổi tình người như thế.
Một cách làm phim khác
Có những phim tưởng như là nhiệm vụ bất khả thi với một đạo diễn 16 tuổi như Mẹ con Hà, đạo diễn Phạm Thu Lê. Phim kể về cô bé Hà quanh năm bị cha dượng đánh đập tàn nhẫn không cần lý do nhưng vẫn trong trẻo, ấp ủ mãi trong lòng giấc mơ trở thành một ca sĩ. Tiếng chửi bới, vết đánh đập bầm trên chân rõ mồn một.
“Em đã trực tiếp quay phim này”, Lê chia sẻ. Cô cầm máy để quay những cảnh bạo hành của người đàn ông cục súc, những tâm sự cam chịu của người mẹ ít học. Một công việc còn hơn cả nguy hiểm.
Hay với Những người ẩn trốn, phim giúp nhìn thấy một giới tính khác, chỉ chiếm 1 % dân số thế giới - người vô tính. Có thể tạm coi họ là những người không nhu cầu quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nhu cầu được hiểu, được chia sẻ, được cảm thông, được công nhận của họ thì vẫn còn nguyên vẹn như mọi người.
Cách thức làm phim tài liệu của những người trẻ trong dự án rất khác. Nhân vật được đặt đúng vị trí của họ, sống đúng như chính họ trong đời sống, không hề dàn dựng để minh họa cho ý tưởng của đạo diễn. Một hơi thở khác của điện ảnh tài liệu, dù những người trẻ này chưa chuyên nghiệp, nhưng tư duy đã rất khác với lối mòn xưa. Nó cũng cho thấy, chúng ta đang dần có một cộng đồng xem phim tài liệu theo cách khác, cần một cách làm phim tài liệu hiện đại, cởi mở hơn.
"10 tháng 10 phim tài liệu" chỉ là một dự án và đã kết thúc. Nhưng cách thức của nó đã mở ra hướng hỗ trợ cho những người làm điện ảnh tài liệu trẻ. Nó như một câu hỏi, sau dự án nước ngoài tài trợ này, những nhà quản lý điện ảnh trong nước sẽ làm gì để người làm phim tài liệu trẻ đi tiếp.
Dự án "10 tháng 10 phim tài liệu" do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD (Hội Điện ảnh VN) phối hợp Đại sứ quán Mỹ tại VN tổ chức. Từ tháng 2.2014 - 4.2015,
10 bộ phim tài liệu ngắn đã được hoàn thành. Các nhà làm phim trẻ được học lớp học ngắn hạn về phim tài liệu với đạo diễn Mark Johnathan Harris, học về âm thanh với chuyên gia âm thanh Arnold Soulier, học cách xây dựng dự án với đạo diễn Phan Huyền Thư...
10 phim trong dự án: Sao Bình không lấy chồng, tác giả Phạm Minh Hà; Nhà đối diện của Lê Mỹ Cường; Mẹ con Hà của Phạm Thu Lê; Nhà có ba mẹ con của Vũ Thị Hương; Dành tặng ông Điều của Nguyễn Hiền Anh; Con hươu non của Lê Thu Minh; 19 của Lê Hoàng Ánh Ngọc; Những người ẩn trốn của Nguyễn Văn Hoàn; Đá nở hoa của Nguyễn Ngọc Thúy; Sống chạy của Dư Ngân Linh.
Theo Trinh Nguyễn/ Thanh Niên
Có thể bạn quan tâm: