Phim Pan có cảnh quay ở hang Én, VN |
Không phải chờ đến khi đài ABC làm chương trình truyền hình trực tiếp từ hang Sơn Đoòng (tháng 5.2015), VN mới thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Nhưng, sự kiện Sơn Đoòng lên truyền hình Mỹ là cú hích để các nhà làm phim nước ngoài để mắt điểm đến VN hơn. Cách đây ít ngày, hình ảnh VN được lựa chọn góp mặt trong “siêu” MV của nam ca sĩ Usher được ghi hình từ trạm không gian quốc tế ISS. Địa điểm tại VN được lên hình là bãi biển Non Nước, nằm dọc chân núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Chỉ có 10 quốc gia trên thế giới được chọn để quay MV khác biệt này gồm VN, Trung Quốc, Mexico, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Czech, Úc, Nga, Mỹ. Trước đó, VN cũng xuất hiện trong MV What doesn’t kill you (Stronger) của quán quân American Idol 2002 Kelly Clarkson, thông qua biểu tượng quen thuộc của TP.HCM - chợ Bến Thành.
Bà Vũ Thị Hồng Nga, Phó chánh văn phòng Cục Điện ảnh VN, cho biết mỗi năm Cục cấp phép cho rất nhiều đoàn phim quốc tế vào VN ghi hình, chủ yếu là các đoàn làm phim tài liệu. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines hay Malaysia, VN có lợi thế hơn về bối cảnh tự nhiên đẹp. Nhưng cho đến nay số đoàn làm phim truyện nước ngoài chọn VN ghi hình chỉ đếm trên đầu ngón tay và đã diễn ra khá lâu như Người tình, Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng, Hai con gái ông chủ vườn thuốc Trung Hoa. Bộ phim đình đám của nước ngoài có bối cảnh VN gần đây nhất là Noble (Ireland, Anh) ra mắt người xem vào đầu năm ngoái. Nguyên nhân chuyện ghi hình ít chủ yếu là do thủ tục cấp phép quay phim khá mất thời gian, theo Luật Điện ảnh trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nộp hồ sơ, đoàn phim mới có giấy phép.
VN cũng chưa có ưu đãi về thuế cho đoàn phim quốc tế, trong khi họ chỉ hào hứng bắt tay hợp tác với những quốc gia có chính sách ưu đãi đối với nhà làm phim nước ngoài. Đó là lý do Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia trở thành điểm đến ở khu vực Đông Nam Á của các hãng phim lớn. Xa hơn, Hàn Quốc, New Zealand đều có chính sách đãi ngộ đoàn phim quốc tế. Thậm chí có quốc gia còn sẵn sàng chi tiền để hình ảnh đất nước xuất hiện trong các sản phẩm bom tấn như thương vụ Mexico chi 14 triệu USD cho hãng phim Sony Pictures Entertainment để có vài phút xuất hiện bộ phim James Bond 24 Spectre sắp ra mắt.
Thực tế từ các quốc gia cho thấy phim ảnh thường gắn liền phát triển du lịch, quảng bá văn hóa. Việc mở cửa để bối cảnh Việt xuất hiện nhiều hơn trong các sản phẩm văn hóa nước ngoài là một hướng tốt để đưa hình ảnh VN vươn ra thế giới. Nhưng trong khi các nhà làm phim nước ngoài ngày càng ưu ái bối cảnh VN thì phía chủ nhà chưa cho thấy sự đón nhận tích cực. Những đơn vị có thẩm quyền thường chần chừ trước đề nghị ghi hình của các đoàn phim. Chế độ ưu đãi thuế cho đoàn phim nước ngoài cũng chỉ mới ở dạng đề xuất.
Theo PNO