Y Vân nghĩa là "Yêu Vân"
Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu. Ông chọn bút hiệu Y Vân từ khi chuyện tình giữa ông và Tường Vân tan vỡ.
Câu chuyện bắt đầu vào một đêm Giáng sinh ở Hà Nội, chàng thanh niên 20 tuổi Trần Tấn Hậu đi lang thang cùng với người bạn. Qua cửa Nhà thờ Lớn, chàng bất ngờ gặp một cô gái mặc áo dài vàng và trái tim như ngừng đập trước nhan sắc của nàng. Nhưng rồi nàng mất hút trong đám đông.
Một ngày nọ, vô tình người nhạc sĩ trẻ ghé vào hiệu sách, chưa kịp mua thì thấy cô áo dài vàng hôm nào bước vào tiệm đàn bên cạnh. Thế là chàng bỏ luôn hiệu sách, tót qua tiệm đàn giả vờ hỏi mua sách nhạc, lân la đến bên nàng rồi làm quen bằng cách nhiệt tình hướng dẫn đồng thời chọn mua cho nàng cây đàn tốt nhất. Ít lâu sau, người bạn tên Kỳ giới thiệu anh đến nhà một gia đình giàu có để anh dạy đàn cho con gái nhà này. Bất ngờ thay, cô gái ấy chính là nàng.
Nhạc sĩ Y Vân thời trai trẻ, thủa yêu cuồng nhiệt với mối tình đầu dang dở tại Hà Nội bên tiểu thư Tường Vân. |
Giữa họ hé nở một mối tình thơ mộng. Khi gia đình biết được giữa con gái và anh nhạc sĩ nghèo đang nảy sinh tình cảm thì tìm cách ngăn cản. Tường Vân nghe lời cha mẹ đi Pháp du học, bỏ lại anh nhạc sĩ nghèo đau khổ. Chàng nhạc sĩ trẻ si tình đã sáng tác ca khúc Tình ta nở giữa mùa đông tặng người yêu. Bản nhạc được ký tên “Y Vân” và giải thích “Y Vân có nghĩa là... yêu Vân”.
Sau này, nhạc sĩ còn sáng tác thêm một số ca khúc đầy tâm sự cho mối tình đẹp và ngắn ngủi này như: Đò nghèo, Nhạt nắng... Cho tới hiện tại, bà Minh Lâm – vợ của cố nhạc sĩ cho biết, hiện bà vẫn đang lưu giữ hai bức thư tình mà cô tiểu thư Tường Vân viết cho ông. Không ghen tuông hay hờn giận bực dọc theo như những quan điểm tiêu cực, bà Minh Lâm vẫn trân trọng quá khứ của chồng như những kỷ niệm đẹp, mảng trời riêng và góc khuất khác của người bạn tri kỷ.
Kết hôn sau 5 tháng quen nhau
Sau câu chuyện tình đầu dang dở, nhạc sĩ Y Vân dành trọn tâm sức cho âm nhạc và những người bạn trong ban nhạc của mình. Thời gian sau, ông được một người bạn thân mai mối với một cô gái tên Như Hường. Khác với Tường Vân, Như Hường không mê nhạc mà chỉ thích thơ.
Quen nhau chưa được bao lâu, Y Vân về nói chuyện với mẹ. Bà cụ thân sinh đã đích thân sang nhà Như Hường để xem mặt cho con trai. Không chỉ vậy, để tìm hiểu về con dâu tương lai bà còn xin phép xuống nhà dưới đi vệ sinh nhưng mục đích để xem thử bếp núc như thế nào. Thấy gọn gẽ bà về đồng ý tác hợp cho con trai và cô Như Hường.
Năm 1959, nhạc sĩ Y Vân kết hôn với bà Như Hường chỉ sau 5 tháng quen nhau. Họ có với nhau 4 người con. Đây cũng là thời điểm người nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác 2 ca khúc Biển sầu và Người vợ hiền tặng bà Như Hường, như một tỏ bày cụ thể tình yêu, lòng trân trọng của ông dành cho bà.
Người vợ hai: em gái họ của vợ đầu
Hơn mười năm sau, tức năm 1970, với sự hy sinh hiếm có, bà Như Hường đã đi cưới vợ cho nhạc sĩ Y Vân. Người vợ thứ hai của ông, không ai khác chính là em con cô, con cậu với bà Như Hường – bà Trần Thị Minh Lâm. (Cha của bà Minh Lâm là em trai của mẹ bà Như Hường).
Do cảm thông trước mối tình mãnh liệt của cô em gái nên bà Hường có quyết định trên, mặc cho gia đình khi ấy phản đối dữ dội. Điều đáng nói là hai chị em rất hòa thuận và yêu thương nhau, gia đình trong ấm, ngoài êm. Có lẽ, họ xác định rất rõ, họ đứng sau một người đàn ông tài hoa, lận đận nên không có điều gì quý giá hơn bằng sự cảm thông sâu sắc từ trái tim của những người vợ.
Bà Minh Lâm, vợ cố nhạc sĩ Y Vân tâm sự: “Mấy mươi năm chung sống, hai vợ chồng tôi chưa một lần to tiếng. Tôi với ông như hai người bạn tri kỉ và thấu hiểu tâm can của nhau. Có những hôm chúng tôi trò chuyện thâu đêm suốt sáng. Ông là người rất thật thà và chung thủy, yêu thương vợ con”.
Bà cho biết, những bản nhạc của ông được người đời thêu dệt thành những mối tình đâu đó, thật ra là những rung cảm thường tình của một tâm hồn nghệ sĩ. Không hẳn phải có tình yêu với một người nào đó mới sáng tác ra những bài hát hay, có khi ông xúc cảm trước một câu chuyện tình nào đó mà ông bắt gặp, rồi làm chất liệu cho sáng tác mà thôi.