Vi chất dinh dưỡng là những chất dinh dưỡng mà cơ thể cần một lượng nhỏ nhưng vô cùng quan trọng, nếu thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ gây nhiều hiệu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
Theo bác sĩ Lê Kim Huệ, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, thông thường các vi chất dinh dưỡng mà cộng đồng còn thiếu hụt nhiều là vitamin A, sắt và iốt. Trong đó, vitamin A tham gia cấu trúc tế bào thị giác, da, niêm mạc..., giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Thiếu vitamin A dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa, da khô, tóc dễ gãy rụng. Việc thiếu vitamin này kéo dài dẫn đến khô mắt và mù mắt vĩnh viễn.
Sắt rất cần thiết cho sự sống vì sắt tạo hồng cầu (máu) để vận chuyển oxy đến các bộ phận cơ thể. Thiếu sắt dễ dẫn đến da xanh xao, chóng mặt, mệt mỏi, biếng ăn, chậm tăng cân, tư duy kém, giảm tập trung, hiện tượng băng huyết sau sinh. Phụ nữ mang thai thiếu máu nặng sẽ sinh ra con thiếu máu, chậm phát triển trí tuệ...
Thiếu iốt khiến dẫn đến bệnh bướu cổ, trẻ chậm phát triển, đần độn, tư duy kém. Phụ nữ mang thai thiếu iốt dễ sảy thai, sinh non, thai chết lưu, trẻ sinh ra có thể tổn thương não vĩnh viễn.
Nếu trong các bữa ăn hàng ngày cân đối đầy đủ vi chất dinh dưỡng thì không cần bổ sung thêm thuốc, thực phẩm. Ảnh: C.H. |
"Nguyên nhân thiếu vi chất dinh dưỡng thường là do là nhu cầu của cơ thể tăng không được đáp ứng kịp. Do mắc các bệnh lý nhiễm trùng như sốt, viêm họng, tiêu chảy... Do bữa ăn không đầy đủ vi chất dinh dưỡng", bác sĩ Huệ lý giải.
Bác sĩ Huệ khuyến cáo, cần thực hiện 3 biện pháp cơ bản dưới đây để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng, đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của cơ thể.
1. Bổ sung vi chất dinh dưỡng dạng thuốc
Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng dạng thuốc phải tuân theo theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thông thường liều dùng vitamin A là dưới 5000 đơn vị một ngày đối với người bình thường. Trẻ dưới 6 tháng tuổi, không bú sữa mẹ là 50.000 đơn vị mỗi 6 tháng. Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi cần uống 100.000 đơn vị mỗi 6 tháng. Trẻ từ 13 đến 36 tháng uống 200.000 đơn vị mỗi 6 tháng. Bà mẹ uống ngay sau sinh 20.000 đơn vị. Việc sử dụng vitamin A quá liều có thể dẫn đến ngộ độc và nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Liều sắt được khuyến cáo là 20mg/kg cân nặng/ ngày. Phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi 15 đến 49 là những đối tượng cần được chú trọng bổ sung sắt. Phụ nữ mang thai uống mỗi ngày 1 viên thuốc chứa sắt, uống từ lúc mang thai cho đến một tháng sau khi sinh. Phụ nữ 15 đến 49 tuổi uống mỗi tuần 1 viên, uống liên tục trong 16 tuần mỗi năm.
2. Sử dụng thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng
Chọn dử dụng các loại đường có bổ sung vitamin A, muối có chứa iốt, nước mắm có chứa sắt.
Ngoài ra có thể chọn các loại thực phẩm có bổ sung nhiều vi chất như bánh, sữa, bột dinh dưỡng... Cần đọc thông tin thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng trên bao bì, nhãn mác.
3. Dinh dưỡng an toàn, hợp lý, ăn uống đa dạng các loại thực phẩm
Nếu trong các bữa ăn hàng ngày cân đối đầy đủ vi chất dinh dưỡng thì không cần bổ sung thêm thuốc, thực phẩm. Cần sử dụng đa dạng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thay đổi món phong phú trong bữa ăn hằng ngày. Khuyến cáo mỗi ngày nên ăn 15-20 loại thực phẩm khác nhau.
Các thức ǎn có nhiều chất sắt là các loại thịt có màu đỏ như thịt bò, phủ tạng như tim, gan, cật..., các loại đậu, các loại rau xanh như rau ngót, rau khoai, rau bí, các loại đậu, mè... Cần tăng cường vitamin C từ rau củ quả và trái cây giúp hấp thu chất sắt.
Vitamin A chủ yếu có trong thức ăn động vật như gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, thịt… rau quả có màu xanh, màu vàng, đỏ. Các thực phẩm có chứa beta caroten như bí đỏ, đu đủ, cà chua, cà rốt, gấc... giúp cơ thể chuyển thành vitamin A rất hiệu quả. Cần chú ý bổ sung đủ chất béo tăng hấp thu vitamin A.
Sử dụng thường xuyên muối iốt trong chế biến bữa ăn hàng ngày. Nên ăn các loại cá biển, rong biển.
Lê Phương