Ảnh minh họa |
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay hội chứng tự kỷ ảnh hưởng tới khoảng 70 triệu người trên toàn thế giới, trung bình cứ 160 người thì có một người tự kỷ. Tại Việt Nam có khoảng hơn 200.000 người tự kỷ và có khoảng 80% số người tự kỷ trưởng thành không có việc làm, phải sống phụ thuộc do chưa được phát hiện và hỗ trợ sớm.
Vừa qua, tại Viện Sức khỏe tâm thần (SKTT), bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ đã thăm khám và điều trị cho một cháu bé 2 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) bị mắc chứng tự kỷ ở mức độ vừa.
Trước đó, cháu bé có những biểu hiện khác thường như: ở nhà chỉ chơi một mình, không tương tác với bố mẹ (ví dụ như, bố mẹ gọi hoặc đi làm về con không thể hiện cảm xúc vui mừng…). Bên cạnh đó, con thích chơi một mình với những đồ chơi đơn giản nhưng không đúng chức năng, công dụng của đồ chơi. Con cũng rất hứng thú với Ipad, smart phone hay tivi…Khi đi lớp, cô giáo xếp con vào dạng “ngoan” vì con chỉ ngồi yên 1 góc, ít chơi cùng các bạn…Đặc biệt về phát triển ngôn ngữ của con rất chậm, đã 2 tuổi nhưng con vẫn chưa nói được, con chưa biết đáp ứng những yêu cầu cá nhân hàng ngày . ..
Rất may, bố mẹ cháu đã nhận biết được những dấu hiệu bất thường và đưa con đến khám sớm. Theo đó, qua khám lâm sàng và trắc nghiệm tâm lý theo thang đánh giá tự kỷ của Viện SKTT cháu được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ ở mức độ vừa.
Theo Ths. BS. Lê Công Thiện – Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, do cháu bé được phát hiện sớm, chưa có rối loạn tâm lý kèm theo nên không phải sử dụng thuốc. Biện pháp điều trị là bác sĩ tâm lý kết hợp với giáo viên giáo dục đặc biệt. Việc kết hợp bộ ba bác sỹ - nhà tâm lý- giáo viên giáo dục đặc biệt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, sự sẻ chia, giúp đỡ từ gia đình và cộng đồng sẽ giúp cho trẻ tự kỷ phát triển các giá trị bản thân, hòa nhập cuộc sống.
Theo đó, Ths. BS. Lê Công Thiện – Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Rối loạn tự kỷ (từng được gọi là tự kỷ sớm ở trẻ nhỏ, tự kỷ ở trẻ em hoặc là tự kỷ Kanner) được đặc trưng bởi các triệu chứng từ ba nhóm sau: những bất thường ở chất lượng tương tác xã hội, bất thường trong việc giao tiếp, các mô hình hành vi hoặc các mối quan tâm bị thu hẹp, rập khuôn và lặp lại.
BS Thiện cũng cho biết thêm, người mắc chứng tự kỷ thường có những biểu hiện như:
- Những bất thường về tiếp xúc bằng mắt, biểu hiện nét mặt, sử dụng tư thế hoặc dáng điệu của cơ thể để điều hòa các tương tác;
- Không có khả năng thiết lập các mối quan hệ với những bạn bè; Không tự tìm cách chia sẻ những thú vui, các mối quan tâm, hoặc những thành công với người khác;
- Thiếu sự tương hỗ về mặt tình cảm - xã hội; Có sự chậm trễ, hoặc mất hoàn toàn khả năng phát triển ngôn ngữ nói;
- Ở các cá nhân còn nói được, suy giảm đáng kể khả năng để bắt đầu hoặc duy trì câu chuyện với người khác; Việc sử dụng ngôn ngữ lặp lại và định hình hoặc ngôn ngữ khác biệt;
- Quá tập trung vào một hoặc nhiều mối quan tâm bị thu hẹp và rập khuôn một cách không bình thường; Có sự tuân thủ một cách cứng nhắc đối với những nghi thức hoặc những thói quen đặc hiệu không mang tính chức năng;
- Có tính điệu bộ trong động tác, lặp lại và định hình, (các động tác này xuất hiện ở cánh tay hoặc ngón tay với các động tác run hoặc vặn xoắn, hoặc các cử động phức hợp của toàn cơ thể).
Cũng theo BS. Lê Công Thiện, để phát hiện sớm trẻ mắc chứng tự kỷ cần dựa vào 5 dấu hiệu sau:
(1) Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng.
(2) Không biết nói từ đơn khi 16 tháng.
(3) Không biết đáp lại khi được gọi tên.
(4) Không tự nói được câu có 2 từ khi 24 tháng.
(5) Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.