Tiến sĩ - bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM - chuyên gia về ký sinh trùng.
- Sau khi một bệnh nhân tử vong vì amip tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, nhiều người hoang mang cho rằng ký sinh trùng này có mặt trong nước sông hồ nên dễ lây lan. Theo ông, thực hư điều này thế nào?- Amip Nagleria fowleri sống tự do ở nước ngọt tự nhiên như ao, hồ, sông, suối, ở vùng có khí hậu nóng. Đặc điểm của amip là thích vùng nước ấm, nhiệt độ lý tưởng là 35oC. Do đó ở các vùng khí hậu khô nóng, nhất là vào mùa hè, nhiệt độ nước ao hồ tăng cao là nơi sinh sống lý tưởng của loài amip này.
Amip sống trong tự nhiên có 2 dạng: dạng bào nang (cyst) và dạng có roi (flagella), dạng bào nang có kích thước khoảng 10 micromét. Khi xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương của người (não, màng não) amip chuyển sang dạng hoạt động (Trophozoid), có kích thước khoảng 20 micromét. Các quốc gia, lãnh thổ có bệnh lưu hành gồm tất cả các châu lục, riêng châu Á có Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan.
Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới, nóng và ẩm quanh năm, nên amip tồn tại trong môi trường tự nhiên là bình thường. Tuy nhiên từ trước đến nay chưa có nơi nào chẩn đoán chính xác tác nhân này, không loại trừ bỏ sót chẩn đoán. Ca bệnh này lần đầu tiên được phát hiện với đầy đủ bằng chứng khoa học, chứ không phải mầm bệnh này mới xuất hiện ở nước ta.
- Khả năng amip có mặt trong rau sống (từ nước tưới rau) hoặc các loại rau mọc ở nước?
- Đây là loài amip khác hẳn với loại amip gây bệnh ở đường ruột, phương thức lây truyền là xâm nhập qua niêm mạc mũi rồi vào xoang sàn, vào não thất. Do đó nếu nguồn nước có chứa amip Nagleria fowleri nhưng chỉ dùng để ăn uống đơn thuần thì khó lây nhiễm , vì amip chỉ có thể xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc mũi. Có nghĩa là nếu người ta không bơi lặn bị sặc nước thì amip không thể xâm nhập bằng đường khác.
Còn amip gây bệnh đường ruột phổ biến ở nước ta là Entamoeba histolytica lây qua đường phân miệng. Amip theo phân ra ngoài, nhiễm vào nước sinh hoạt, sau đó gây nhiễm vào thức ăn nước uống nếu sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn, hoặc bám vào lá rau nếu dùng phân người có amip để tưới rau, hoặc nhiễm trực tiếp vào thức ăn nếu bệnh nhân đi vệ sinh nhưng không rửa tay mà chế biến thức ăn.
- Trong nước hồ bơi, amip tồn tại như thế nào?
- Amip Nagleria fowleri là loại thích nghi với môi trường nước ấm. Tuy nhiên chúng khó tồn tại trong nước hồ bơi có nhiều hóa chất sát khuẩn, mặc dù trên thế giới, nhất là ở Mỹ, vấn đề amip lây qua hồ bơi vẫn được cảnh báo. Lý do là các hồ bơi được thay nước thường xuyên thì ít cần hóa chất sát khuẩn. Nếu có bệnh nhân trong thời gian ủ bệnh hỉ mũi vào nước hồ bơi thì có nguy cơ người khác hít phải khi bị sặc nước. Trên thực tế ở Việt Nam, điều kiện nước hồ bơi chứa nhiều chất sát khuẩn nên amip khó tồn tại.
- Cơ chế gây bệnh của amip ra sao?
- Vì amip Nagleria fowleri là sinh vật sống tự do trong tự nhiên nên chúng tồn tại song song với con người. Người bị nhiễm khi bị sặc nước vào mũi khi bơi, lặn trong vùng nước có amip lưu hành. Amip khi vào mũi, một phần chất nhầy niêm mạc mũi sẽ bao quanh amip và tống ra ngoài khi bệnh nhân hắt hơi, hỉ mũi. Tuy nhiên một số ít amip bám được vào niêm mạc mũi, xâm nhập qua lớp biểu mô, đi vào lá sàng của xương sàng, rồi đi vào khoang dưới nhện, vào não thất, gây bệnh cảnh viêm não thất, viêm màng não.
Bệnh nhiễm amip Nagleria fowleri ở não là bệnh cấp tính và tối cấp, tỷ lệ tử vong trên 95%. Do đó khó có khả năng người bệnh còn khỏe để đi bơi và lây lan mầm bệnh trong hồ bơi. Trong giai đoạn xâm nhập của amip, khoảng 1-4 ngày, có thể amip từ niêm mạc mũi của người mới nhiễm, qua động tác hỉ mũi, đi vào nước và bị người khác sặc nước hít phải. Hệ thống hồ bơi của ta có nồng độ thuốc sát trùng cao nên khả năng này khó xảy ra. Còn ở môi trường nước tự nhiên như sông hồ, ao, mật độ người đi bơi rất thấp nên khả năng lây cũng rất thấp.
- Với người lo lắng nhiễm amip, lời khuyên của ông cho họ?
- Việc lo lắng nhiễm amip là không cần thiết, ngay cả khi bơi trong vùng nước nhiễm amip thì khả năng nhiễm cũng rất thấp, do xác suất hít phải nước có chứa amip rất thấp, và do cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, khi bị sặc nước, phản xạ hắt hơi, ho, chảy nước mũi, hỉ mũi đã tống amip ra ngoài.
Để an toàn tuyệt đối, khi bơi, chỉ cần mang nẹp mũi để tránh sặc nước là đủ.
Amip cũng như các sinh vật đơn bào khác, chắc chắn bị diệt ở nhiệt độ 100 độ C, nhưng điều này không có ý nghĩa vì amip xâm nhập qua niêm mạc mũi trong khi bơi lặn, chứ không lây qua đường ăn uống (đường tiêu hóa).
- Người nghi ngờ mắc bệnh phải làm gì?
- Người mắc bệnh thường trẻ, thanh thiếu niên có sở thích bơi lội hoặc làm nghề sông nước, nghề thợ lặn, bị sặc nước 2-6 ngày, thấy nhức đầu, đau gáy, lơ mơ, thậm chí hôn mê, bệnh diễn tiến nhanh thì phải nhập viện ngay và khai báo tiền sử bơi lặn với bác sĩ để có chẩn đoán nhanh và chính xác, điều trị kịp thời.
Thiên Chương