Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển chất bột đường gây tăng đường huyết mãn tính, hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm insulin hoặc kết hợp cả hai. Trong đó, đái đường tuýp 1 thường xảy ra ở trẻ em, người trẻ tuổi chỉ chiếm tỷ lệ 5-10%, có liên quan đến yếu tố tự miễn gây phá hủy tuyến tụy khiến cơ thể hầu như không sản xuất đủ insulin. Tuýp 2 xảy ra chủ yếu ở người trưởng thành, chiếm tỷ lệ 90-95%, có liên quan đến yếu tố tuổi, béo phì, ít vận động, di truyền.
Hậu quả bệnh để lại rất nặng nề, biến chứng tim mạch, tai biến mạch máu não, suy thận, hoại tử chi... Vì thế, việc dự phòng đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Trong đó, bữa ăn cần cân đối 4 nhóm thực phẩm (đạm, đường, tinh bột, vitamin và khoáng chất); phối hợp nhiều loại thực phẩm.
Chế độ ăn họp lý, thường xuyên luyện tập... giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ảnh: N.P. |
Theo tiến sĩ Lâm nên duy trì bữa ăn truyền thống của người Việt gồm: cơm, rau và cá, không ăn nhiều thịt, không nhiều béo. Trong bữa ăn cũng nên ăn nhiều loại rau gia vị giàu vitamin, khoáng chất và các yếu tố chống ôxy hóa.
Cụ thể:
- Ăn nhiều rau, quả hoặc sử dụng thường xuyên các loại hạt họ đậu, vừng, lạc. Ăn ít hoa quả có độ đường cao.
- Nên tăng cường ăn thực phẩm tươi và các món luộc, ăn nhiều rau, củ, trái cây, đảm bảo ăn ít nhất 400 g mỗi người mỗi ngày.
- Chú ý không ăn thừa muối, không nên ăn quá 5 g/người/ngày. Hạn chế cho muối và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi nấu ăn, hạn chế chấm thức ăn vào muối và gia vị chứa nhiều muối.
- Chọn gạo lứt, gạo lật nảy mầm hoặc gạo xát rối, bánh mì đen.
- Nên giảm bớt ăn thịt, tăng cường ăn cá, tuần 2-3 lần. Thịt thì nên chọn loại không có mỡ, thịt gia cầm thì nên loại bỏ da vì trong da có nhiều cholesterol.
- Chọn sữa gày, sữa đậu nành, đậu tương hoặc các loại phô mai ít béo.
- Uống nước chè, nụ vối…, không nên uống các loại nước ngọt.
- Dùng dầu thực vật để chế biến.
- Không ăn quá nhiều các thức ăn có năng lượng cao, hạn chế sử dụng thức ăn có hàm lượng đường nhiều (bánh, kẹo, mứt...).
Ngoài ra, nên duy trì cân nặng nên có, đây là điểm mấu chốt để dự phòng bệnh đái tháo đường tuýp 2. Cân nặng nên có BMI (được tính bằng cách lấy trọng lượng cơ thể chia cho bình phương chiều cao) ở ngưỡng 20, 22 là tốt nhất. Cũng có thể tìm cân nặng hợp lý bằng cách lấy số lẻ chiều cao nhân 0,9. Chẳng hạn nếu bạn cao 160 cm thì cân nặng lý tưởng là 60x0,9=54 kg.
Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch. Vì thế người có nguy cơ mắc đái tháo đường muốn phòng bệnh thì nên bỏ thuốc.
Bên cạnh đó, việc luyện tập cũng giúp làm tăng tính nhạy cảm của insulin tốt hơn, giúp kiểm soát chỉ số đường huyết trong máu và giúp cơ rắn chắc, cải thiện chức năng tim mạch… Các chuyên gia khuyến cáo nên tập khoảng 30 phút mỗi ngày cho một bài tập trung bình, tập ít nhất 3-5 lần một tuần, cho dù bất kỳ bài tập nào cũng có tác dụng tốt cho sức khỏe, cũng có tác dụng dự phòng bệnh, tiến sĩ Lâm cho biết.
Nếu đang ở giai đoạn cửa sổ hay tiền đái tháo đường thì người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát tốt để không tiến triển thành bệnh. Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường, nhưng chưa đủ để chẩn đoán bệnh (đường huyết lúc đói 5,6-7 mmol/l). Nếu không can thiệp có đến một phần ba bệnh nhân tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành bệnh.
Người có các biểu hiện như: thường xuyên khát, uống nước liên tục, đi tiểu thường xuyên, nhanh đói dù ăn nhiều, sụt cân, người mệt mỏi, thị lực giảm, đau bụng… thì cần nghĩ đến bệnh tiểu đường, nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phương Trang