Đến Bệnh viện Tai Mũi Họng (Hà Nội) khám lại sau gần 2 tháng điều trị khản tiếng, chị Xoan (Phố Nối, Hưng Yên) vui mừng cho biết đã khỏi bệnh nhờ chăm chỉ thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ: Uống thuốc và luyện giọng đều đặn. Làm nghề bán thịt ở chợ, lại vốn tính hoạt ngôn, chị Xoan hay nói ào ào không dứt. Trước, chị bị khàn giọng suốt nửa tháng không khỏi, nhiều khi nói muốn hụt hơi mà lời cứ thều thào. Đi khám, chị được bác sĩ kết luận là bị hạt xơ dây thanh do lạm dụng giọng, kê đơn thuốc uống và hướng dẫn cách luyện giọng tại nhà.
Chị Minh là giáo viên tiểu học tại Thanh Hóa. Không chỉ phải nói nhiều khi giảng bài, là chủ nhiệm một lớp nhiều em nghịch ngợm, nhiều lúc chị phải cố nói to, thậm chí quát lạc giọng. Việc này tái đi tái lại khiến chị hay bị khản giọng, cũng không thể nghỉ dạy nên tình trạng ngày càng nặng thêm. Khi đi khám, bác sĩ cho biết hạt xơ dây thanh quản của chị đã rất to, phải điều trị ngay.
Bác sĩ Nguyễn Duy Dương đang khám cho một bệnh nhân khàn tiếng. Ảnh: MT. |
Tiến sĩ Nguyễn Duy Dương, khoa thanh-thính học, bệnh viện tai mũi họng trung ương cho biết, khàn giọng là biểu hiện của có hạt xơ dây thanh - bệnh do chấn thương cơ học ở dây thanh, là một tổn thương lành tính. Bệnh rất hay gặp, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân đến khám. Hạt xơ dây thanh hay gặp ở những người hay dùng giọng như giáo viên, người bán hàng, nhân viên trực tổng đài điện thoại, quản lý phân xưởng...
Bệnh này chủ yếu gặp ở nữ. Mọi người hay hiểu nhầm là vì phụ nữ nói nhiều hơn. Thực tế, do tần số rung của dây thanh ở hai giới khác nhau. Nam giới dây thanh rung với tần số 80-150 Hz, trong khi con số này ở phụ nữ là 200-350Hz. Giọng càng cao thì tần số rung càng lớn. Vì thế, dây thanh của phụ nữ dễ bị tổn thương nếu lạm dụng giọng (nói mạnh quá, to quá, nhiều, hay e hèm, gắng sức khi nói, quát tháo). Đây là bệnh do hành vi nên có thể thay đổi hành vi để giảm bệnh.
Hình ảnh hạt xơ (màu trắng như hạt cơm) trên dây thanh quản của một bệnh nhân qua máy soi hoạt nghiệm thanh quản. |
Theo bác sĩ Dương, bệnh này mang tính hành vi, kết hợp với tình trạng viêm nhiễm kéo dài, có thể vì trào ngược dạ dày thực quản khiến dịch vị ảnh hưởng tới thanh quản gây viêm thanh quản, khiến người bệnh thấy có đờm, ngứa họng, mắc cổ, cố nói át hoặc ho. Tình trạng cũng có thể gặp ở một số bệnh nhân có tình trạng dị ứng. Khi có hạt xơ, người bệnh nói khàn, và càng cố nói để bù trừ khiến cơ thanh quản càng tổn thương, sau đó họ lại càng gắng sức nói cho rõ... tạo thành vòng luẩn quẩn khó dứt.
Nếu không điều trị, hạt xơ to dần làm tình trạng khàn nặng lên, tổ chức xơ nhiều, chắc hơn, khiến việc điều trị khó khăn hơn. Những biện pháp như ngậm chanh, muối chỉ giúp làm dịu họng, không có tác dụng chữa bệnh vì các chất này không thể ngấm vào được thanh quản.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Dương cho biết, với bệnh này, điều trị bảo tồn là chính, không cần mổ. Đầu tiên, bệnh nhân cần thay đổi cách nói, chấm dứt việc lạm dụng giọng. Bác sĩ sẽ kê thêm cho họ thuốc điều trị các tình trạng nội khoa kèm theo như trào ngược dạ dày, dị ứng. Bước quan trọng nhất - nhưng lại thường bị nhiều người bỏ qua - là luyện giọng. Cách này giúp lấy hơi, phát âm tốt hơn, giảm cường năng thanh quản, giảm lực va đập dây thanh khiến điểm tiếp xúc dây thanh mất đi và hạt xơ tiêu biến. Việc luyện giọng cũng giúp bệnh nhân có ý thức hơn với giọng nói của mình, làm giọng trong lên, ngăn tái phát bệnh lý về thanh quản.
Phương pháp điều trị bằng mổ sẽ để lại sẹo dây thanh, khiến giọng khàn hơn. Ngoài ra, nếu mổ rồi mà hành vi không thay đổi, vẫn lạm dụng giọng thì hạt xơ sẽ mọc lại. "Chỉ mổ khi điều trị bảo tồn không khỏi, xơ dây chắc. 100% bệnh nhân tuân thủ các bước điều trị trên đều khỏi hẳn khàn giọng mà không cần mổ", bác sĩ Dương nói.
Để tránh bị bệnh, theo bác sĩ, bạn không nên nói to quá, không nói liên tục, không la hét, nói phải hít hơi đầy đủ. Khi bị khàn giọng trên 10 ngày kèm những biểu hiện như nói mệt hơn, khó phát âm, căng ở cổ, rát cổ... thì cần đi khám để điều trị kịp thời.
Vương Linh