Theo phó giáo sư Lê Danh Tuyên, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế, sắt rất quan trọng với cơ thể, là thành tố quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu, là thành phần của huyết sắc tố có trong hồng cầu và nhiều men khác trong cơ thể. Vi chất này tham gia vận chuyển ôxy và các chất dinh dưỡng đến cho tất cả các tế bào của mọi cơ quan, bộ phận. thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.
Tại Việt Nam, theo điều tra gần đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi là khoảng 29%, ở phụ nữ tuổi sinh đẻ gần 29%. Với trẻ 13-24 tháng tuổi thì có đến 58% thiếu máu.
Để phòng chống thiếu sắt, thiếu máu thì biện pháp quan trọng là đa dạng hóa bữa ăn. Ảnh: P.N. |
Thực tế, thiếu máu chỉ là giai đoạn cuối cùng của quá trình thiếu sắt tương đối dài với nhiều ảnh hưởng bất lợi với sức khỏe và thể lực. Số người bị thiếu sắt chưa bộc lộ thiếu máu cao hơn nhiều so với người bị thiếu máu thực sự.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân của tình trạng trên là do chế độ ăn nghèo sắt, lương thực chính của người dân Việt là gạo - trong khi đó sắt trong gạo cơ thể khó hấp thu. Nguồn thức ăn động vật giàu chất sắt thường không được tiêu thụ thường xuyên và đầy đủ. Khẩu phần ăn chứa nhiều chất ức chế hấp thu sắt như các phytat có trong ngũ cốc.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến tình trạng nhiễm giun móc và các bệnh nhiễm khuẩn. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy giun móc đóng góp đáng kể vào nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở Việt Nam. Ngoài ra, các bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiêu hoá còn khá phổ biến cũng góp phần dẫn tới thiếu máu, thiếu sắt.
Trong khi đó, những hậu quả do thiếu máu, thiếu sắt là rất lớn. Nó dẫn đến tình trạng thiếu ôxy ở các mô, đặc biệt là ở một số cơ quan như tim, não, ảnh hưởng tới các hoạt động cần tiêu hao năng lượng. Nhiều nghiên cứu cho thấy năng suất lao động của những người thiếu máu thấp hơn hẳn người bình thường, thậm chí kể cả khi bị thiếu sắt mà chưa bộc lộ thiếu máu.
Không những thế, nó cũng ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ. Các biểu hiện mất ngủ mệt mỏi, kém chú ý, kém tập trung, dễ bị kích thích hay gặp ở những người thiếu máu. Kết quả học tập của trẻ bị thiếu máu cũng thấp hơn hẳn so với trẻ không bị thiếu máu. Đặc biệt với phụ nữ mang thai, tình trạng này làm tăng nguy cơ đẻ non, dễ sảy thai, đẻ con nhỏ yếu, dễ bị băng huyết khi sinh, thậm chí có thể dẫn tới tử vong cả mẹ và con. Vì vậy, thiếu máu dinh dưỡng trong thời kỳ thai nghén được coi là một đe dọa sản khoa.
Vì thế để phòng chống thiếu sắt, thiếu máu thì giải pháp quan trọng nhất là đa dạng hóa bữa, chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng và các thực phẩm giàu sắt. Sắt có trong các nguồn thực phẩm như: các thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt bò, trứng, gan, ngao sò, ốc, hến… Các loại rau màu xanh thẫm như ngót, dền, cải xoong, muống, cải cúc.., một số loại ngũ cốc, đậu hạt như đậu xanh, đậu đen,... cũng chứa nhiều vi chất này.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý sắt được hấp thu tốt hơn khi sử dụng cùng với các loại thực phẩm giàu vitamin C, thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật. Chỉ uống trà và cafe sau bữa ăn 1-2 giờ. Chất tanin trong lá trà gây cản trở hấp thụ sắt.
Ngoài ra, người dân cần được hướng dẫn các cách chế biến truyền thống như nảy mầm, lên men (giá đỗ, dưa chua...) vì các quá trình này làm tăng hàm lượng vitamin C và giảm lượng tanin và axit phytic trong thực phẩm, từ đó tăng khả năng hấp thụ sắt từ thức ăn.
Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý. Trẻ gái vị thành niên và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai nên uống bổ sung viên sắt- axít folic hằng ngày theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Việc định kỳ tẩy giun, đặc biệt là giun móc đã chứng tỏ có tác động tới cải thiện tình trạng sắt.
Phương Trang