Tất cả rối loạn tiêu hóa, từ kiết lỵ bước qua tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, nếu kéo dài đều là đòn bẩy dẫn đến viêm đại tràng mãn. Bên cạnh các triệu chứng khó chịu như đau bụng dai dẳng, sốt về chiều, đầy hơi, biếng ăn…, nghiêm trọng hơn là tình trạng suy nhược, sụt cân, thiếu máu, rối loạn nước và chất điện giải do tiêu chảy tái đi tái lại. Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là tai hại do phản ứng phụ của thuốc kháng viêm, nhất là thuốc có chứa corticosteroid.
Ổi vừa có vitamin C vừa có chất chát làm êm dịu đường ruột. Ảnh: wallpaperswolrd |
Chế độ dinh dưỡng của người bị viêm đại tràng vì thế cần được chú trọng nhằm nâng đỡ tổng trạng bằng cách cung cấp:
- Nước và chất điện giải, chủ yếu kalium, vì đây là khoáng tố dễ bị thất thoát do tiêu chảy.
- Chất đạm để cơ thể qua đó vừa tái tạo niêm mạc đường ruột vừa tổng hợp kháng thể.
- Hoạt chất sinh học hỗ trợ tác dụng kháng viêm của thuốc đặc hiệu để giảm liều lượng thuốc hóa chất, đồng thời bảo vệ niêm mạc khung ruột nhằm tránh tình trạng co thắt thái quá khiến bệnh nhân đứng ngồi không yên.
Bệnh nhân do đó nên nhớ:
- Uống nhiều nước, 2,5-3 lít mỗi ngày, chia ra 6-8 lần trong ngày, vào buổi sáng sớm, lúc bụng đói. Nếu được nước khoáng loại có nhiều kali và magiê thì càng hay.
- Ưu tiên thịt “trắng” như thịt gia cầm, tốt hơn nữa là thịt “giả” như đậu hủ, vừa dồi dào chất đạm, vừa là nguồn cung ứng chất vôi cần thiết cho chức năng chống dị ứng của tuyến thượng thận.
- Tối thiểu 3 lần trong tuần có món trứng luộc hay cá biển để cung cấp sinh tố D, chất có tác dụng kháng viêm trong bệnh đường ruột theo kết quả nghiên cứu trong thời gian gần đây.
- Thay sữa tươi bằng sữa chua nếu dễ tiêu chảy vì sữa tươi. Nên có 3 món sữa chua, chuối già và khoai lang trên bàn ăn để bổ sung kalium và vitamin B6.
- Ăn vặt nhiều lần trong ngày với trái cây để cơ thể được liên tục tiếp tế vitamin C. Thiếu vitamin C thì các vết loét li ti trên niêm mạc ruột khó lành. Trái ổi vừa có vitamin C vừa cung cấp chất chát làm êm dịu đường ruột.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng