Tại một buổi làm việc với Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), GS-BS Alain Gilbert, chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật thần kinh cánh tay tại Viện Bàn tay Paris (Pháp), cho biết tỉ lệ trẻ em bị sang chấn trong những ca sinh khó dẫn đến yếu liệt một bên tay có thể lên đến 1/1.000.
Còn tại BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, trong những lần phối hợp với các tổ chức quốc tế phẫu thuật cho trẻ em nghèo, BV đã ghi nhận hàng ngàn ca trẻ bị tật do bẩm sinh hoặc sang chấn khi sinh.
Trở ngại nằm ở... phụ huynh
Mới đây, hàng loạt ca mổ giúp trẻ bị liệt đám rối thần kinh cánh tay đã diễn ra tại BV Nhi Đồng 1. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác - chuyển giao kỹ thuật mà GS Gilbert đã chủ trì thực hiện từ năm 2010. Các cháu được phẫu thuật nằm trong độ tuổi từ 3-6 tháng - độ tuổi phù hợp cho việc phẫu thuật ghép nối thần kinh dạng này. Tất nhiên, việc phẫu thuật cho một đứa trẻ chỉ vài tháng tuổi đòi hỏi rất cao về chuyên môn và thường đứa bé càng nhỏ, phẫu thuật càng khó. Tuy nhiên, theo GS Gilbert, ông lại gặp khó khăn ở những ca lớn hơn, khoảng 6 tháng trở lên, hơn là những bé độ 3 tháng!
Khó khăn ở đây không phải do cuộc mổ mà vì vấn đề... thuyết phục phụ huynh. Đến khoảng 6 tháng, nhiều bé có thể tự phục hồi đôi chút như nhúc nhích vai, phụ huynh thấy thế nên muốn chờ cho con tự phục hồi, vậy là việc thuyết phục trở nên khó khăn. Thật ra, ở trường hợp này, việc tự phục hồi chỉ biểu hiện qua một ít cử động ở vai, ở vài ngón tay nhưng về sau này không giúp ích gì cho lao động, sinh hoạt. Nếu quá “thời gian vàng”, tỉ lệ hồi phục nhờ phẫu thuật giảm đi rõ rệt, hiệu quả rất hạn chế, vì vậy, nhiều khi thầy thuốc phải hết lời thuyết phục phụ huynh cho con mổ sớm.
Tại BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, mỗi năm có hàng chục đợt phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhi nghèo do đây là một BV trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và có liên kết với rất nhiều tổ chức, y - bác sĩ nước ngoài sẵn lòng tặng những suất phẫu thuật miễn phí. Mỗi lần như vậy, số lượng các em bị liệt đám rối thần kinh cánh tay do sang chấn sản khoa, trật khớp háng bẩm sinh, bàn chân khoèo, chân chữ O, chữ X... được gia đình đưa đến khá nhiều; hầu hết các tật này đã bị “bỏ quên” đến vài tuổi, thậm chí có những trường hợp đã mười mấy tuổi.
Phẫu thuật chuyển gân khắc phục tật yếu liệt thần kinh cánh tay ở trẻ em tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM
Càng lớn, giải quyết càng khó
Theo BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, riêng về tật yếu liệt một bên tay do liệt đám rối thần kinh cánh tay, nếu để các em lớn mới giải quyết thì cũng có cách cứu vãn phần nào, đó là chuyển gân, cơ... từ nơi khác đến nơi cần “vá lỗi” và tập luyện để giúp hồi phục vài cử động của cánh tay. Nhưng nói chung, phẫu thuật này chỉ giúp các em cử động cánh tay một cách rất hạn chế, với mục đích chính là giải quyết phiền toái khi sinh hoạt do cánh tay “vô dụng” và hỗ trợ thực hiện một số động tác đơn giản.
Một số tật khác gặp từ khi mới sinh tương đối phổ biến là trật khớp háng bẩm sinh (do cấu tạo bất thường bẩm sinh của khớp háng và có thể cũng liên quan phần nào đến quá trình sinh nở) hay các tật bàn chân khoèo, chân vòng kiềng quá nặng thành hình chữ O, chân chữ X... thì nếu được giải quyết ngay từ giai đoạn đầu đời, có khi không cần phẫu thuật. “Trên lý thuyết, trong những ngày đầu bé được sinh ra, thậm chí là khoảng 2-3 tuần đầu, lượng estrogen từ mẹ còn tồn tại nhiều trong cơ thể trẻ nên các tổ chức xương khớp, gân... vẫn khá mềm dẻo. Trong phục hồi chức năng, các loại tật này đều có loại nẹp riêng. Điều trị bảo tồn bằng nẹp trong giai đoạn đầu đời sẽ giúp trẻ có cơ hội hồi phục tốt, thậm chí rất tốt. Song đôi khi, phụ huynh có xu hướng chờ con lớn, cứng cáp thêm một chút mới đưa đi điều trị. Vấn đề là khi đợi đến lớn, các tật này đều phải phẫu thuật, càng lớn càng khó trị và hiệu quả phẫu thuật có thể giảm theo thời gian” - BS Ánh phân tích.