Đến nay, sau gần 1 tuần tại ổ dịch này chưa có thêm ca bệnh nào mới. Tuy nhiên, các chuyên gia hết sức lo ngại trước diễn biến bất thường của dịch. Từ đầu năm đến ngày 11/3, cả thành phố hà nội đã ghi nhận hơn 750 trẻ mắc tay chân miệng, ở tất cả các quận, huyện. Trong khi ở mùa dịch năm ngoái, đến tháng 5 thành phố mới bắt đầu có ca bệnh và tháng 9-11 mới là "đỉnh" dịch.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội thì rất khó có thể nhận định về tình hình dịch trên địa bàn thành phố. Bởi lẽ, không chỉ Việt Nam mà tình hình dịch trên thế giới gần đây cũng diễn biến rất phức tạp, xu hướng tăng cao tại nhiều nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore... Trong khi đó tại cộng đồng, tỷ lệ người lành mang trùng cao, bệnh chưa có vắcxin hay thuốc điều trị đặc hiệu.
Dịch tay chân miệng vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh: Dương Ngọc. |
Năm 2011, Hà Nội cũng ghi nhận khoảng 1.600 trẻ mắc tay chân miệng, tăng đột biến kể từ năm 2003 trở lại đây.
Ông Cảm cũng cho biết, điều đáng mừng là năm nay, ngành giáo dục chỉ đạo rất quyết liệt. Các trường cũng chủ động triển khai công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chú trọng giám sát, sớm phát hiện trẻ mắc bệnh...
“Ngoài ra, năm nay sẽ không áp dụng quy định đóng cửa lớp học 10 ngày nếu trong lớp đó có 2 trẻ mắc bệnh liên tiếp trong vòng một tuần. Việc ra quyết định đóng cửa một lớp, hay một trường học sẽ do ngành y tế tham mưu dựa trên tình hình dịch thực tế tại cơ sở đó”, ông Cảm nói.
Cũng theo ông, thực tế, chỉ có 30- 40% trẻ mắc bệnh là lây trong trường học. Trong khi đó tại cộng đồng, có nhiều người nhiễm virus không biểu hiện bệnh (cả người lớn và trẻ em). Do đó, cho trẻ nghỉ học ở nhà không phải là biện pháp tối ưu để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “3 sạch”, đó là "ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch". Khi trẻ bị bệnh cần đưa đi khám và cách ly tại nhà 10 ngày.
Phương Trang