Muỗi mang ký sinh trùng sốt rét. |
Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra các ký sinh trùng sốt rét đã chơi trốn tìm với hệ miễn dịch của người.
Ký sinh trùng sốt rét có tên khoa học là Plasmodium falciparum (P. falciparum) đã liên tục thay đổi diện mạo của một protein mà nó đặt lên bề mặt của tế bào người như một thứ vũ khí tấn công. Tốc độ thay đổi của protein này quá nhanh khiến cho hệ miễn dịch không có đủ thời gian để tạo kháng thể chống lại nó.
Trên thế giới hiện nay có hơn 300 triệu người mắc bệnh sốt rét, trong đó có ít nhất một triệu người chết mỗi năm, phần lớn tập trung ở các nước đang phát triển.
Phát hiện mới đã gây bất ngờ về mức độ tiến hóa của ký sinh trùng P. falciparum, cho phép nó duy trì tuổi thọ lâu dài, từ lúc ký sinh trên muỗi cho đến khi tấn công cơ thể người. Bí quyết của P. falciparum chính là khả năng thay đổi liên tục phiên bản của một protein có tên là PfEMP1 - "quả mìn" mà nó gài trên bề mặt của các tế bào "con mồi". Tốc độ thay đổi protein PfEMP1 cực nhanh. Khi hệ miễn dịch còn đang lấn bấn tìm cách nhận diện để tạo kháng thể đối phó thì PfEMP1 đã "thay áo" trở thành một dạng khác. Cứ như thế, trò chơi trốn tìm lại được lặp lại.
Các nhà khoa học đã biết được một họ gene có tên là var chuyên kiểm soát quá trình sản xuất protein PfEMP1. Trong hệ gene của ký sinh trùng sốt rét có ít nhất 50 gene var. Song các gene này không hoạt động đồng thời, mà chỉ có duy nhất một gene hoạt động vào từng thời điểm. Có thể nói, trong quá trình truyền bệnh của ký sinh trùng sốt rét, diện mạo của nó sẽ thay đổi từ một gene var này sang gene var khác, và trong khi một gene được bật lên thì tất cả các gene còn lại đồng loạt tắt.
Nhóm nghiên cứu đến từ Viện y học Howard Hughes đã bắt tay tìm hiểu vì sao các gene var lại có khả năng thống nhất và hoạt động nhịp nhàng như vậy. Họ phát hiện ra nguyên nhân nằm ở ADN của các gene var, trong đó một protein đặc biệt được ví như "bộ máy điều chỉnh thông tin im lặng 2" - SIR2 - đóng vai trò làm "câm" ADN ở những gene var "im lặng".
Theo tiến sĩ Alan Cowman, trưởng nhóm nghiên cứu, việc gỡ nhỏ các mắt xích trong cơ chế bật - tắt các gene var có thể mở ra các hướng mới trong việc phát triển thuốc chống sốt rét.
Mỹ Linh (theo BBC)