Thắc mắc trên là từ một trong số nhiều độc giả gửi tới VnExpress liên quan tới sự cố kinh nguyệt. Điều đáng nói là mặc dù bị rong kinh hơn 1 tháng nay, bạn gái này vẫn chưa đi khám trực tiếp bác sĩ chuyên khoa mà lại tìm kiếm lời khuyên qua báo chí.
Kết quả khảo sát của VnExpress. |
Theo khảo sát của VnExpress, trong gần 3.000 bạn gái được hỏi sẽ làm gì nếu kỳ kinh bất thường, có khoảng 9% chữa theo mách bảo và gần 8% tự uống thuốc. "Những cách "tự xử" kiểu này rất nguy hiểm", tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cảnh báo. Tiến sĩ Tuấn khẳng định nội tiết là con dao hai lưỡi, nhiều trường hợp vốn dĩ hoạt động bình thường mà trở nên rối loạn do kiểu xử lý chủ quan.
Một rào cản tâm lý lớn đối với các cô gái trẻ trong việc đi khám phụ khoa là xấu hổ, sợ bác sĩ đụng chạm hoặc sợ nhỡ phát hiện ra bệnh gì không hay. Khảo sát cho thấy gần 8% số bạn gái chưa chồng không dám đi khám. Thậm chí có người có ý thức đi khám, song vẫn mất nhiều thời gian để lấy can đảm vượt qua rào cản tâm lý này, và trong khi chần chừ thì nảy sinh nhiều lo lắng không cần thiết. Phương Lan, phóng viên trẻ của một toà báo tại Hà Nội, bị rối loạn kinh nguyệt đã hơn 6 tháng nay, nhưng vẫn chưa dám đi khám vì "nhỡ bác sĩ bảo em bị ung thư thì chết, em sợ lắm!", trong khi toà soạn của cô chỉ cách phòng khám phụ khoa chưa đầy trăm mét.
Trên thực tế, các bạn gái nên biết rằng việc chẩn đoán rối loạn kinh nguyệt không nhất thiết phải can thiệp trong mọi trường hợp, mà có thể bằng cách gián tiếp như siêu âm, quan sát và đặc biệt là thăm hỏi bệnh (quyết định tới 60-70%).
Kinh nguyệt là tấm gương phản ánh sát hoạt động nội tiết của phụ nữ. Tuy nhiên, cứ 10 người tham gia khảo sát thì có đến hơn 3 người tỏ ra bàng quan với chu kỳ thất thường, bao gồm cả việc không quan tâm (18%) và quan tâm kiểu "nước đến chân mới nhảy", tức là đợi đến khi lấy chồng mới lo (13%). Hậu quả của sự thờ ơ này có nhiều mức độ, song nếu nguyên nhân là bệnh lý thì sẽ rất nghiêm trọng, đôi khi người bệnh chỉ còn biết nuối tiếc vì đã quá muộn. Vì vậy, để loại trừ bệnh lý và tránh những lo lắng không cần thiết, thiếu nữ có kinh nguyệt thất thường nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa, và tốt nhất vẫn là đi khám trực tiếp.
Tiến sĩ Tuấn cũng cho biết có một dạng rối loạn kinh nguyệt phổ biến ở thiếu nữ, đó là kỳ kinh thường xuyên thất thường song không ảnh hưởng đến sức khỏe và cũng không phải do thai nghén. Nguyên nhân là do buồng trứng không phóng noãn với các biểu hiện đi kèm là mất kinh, tích mỡ dưới da, rậm lông như đàn ông... Đôi khi tâm lý, hoặc biếng ăn cũng có thể là thủ phạm (rất nhiều phụ nữ sống trong thời chiến tranh thế giới thứ II bị mất kinh). Trường hợp này, các thiếu nữ không nên lo lắng, bệnh chủ yếu là do cơ năng và có thể điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, với trường hợp rong kinh hoặc ít kinh bất thường, mà trước đó có chu kỳ đều đặn thì nhất thiết phải quan tâm.
Mỹ Linh