Một khẩu phần sữa tương ứng 90 – 150 kcal, và chứa không quá 12 gram carbohydrat. Các ví dụ của 1 khẩu phần sữa hàng ngày là 1 hộp sữa không đường 180 ml, hoặc 1 bịch sữa tươi không đường 220 ml.
Có thể dùng sữa vào thời điểm giữa các bữa ăn chính trong ngày, ví dụ sau khi ăn điểm tâm. Riêng người đái tháo đường chích insulin, nếu đường huyết thử ban đêm thấp có thể uống 1 hộp sữa tươi không đường buổi tối, để tránh nguy cơ hạ đường huyết về đêm. Kiểm tra đường huyết sau khi uống sữa cũng là cách để biết sữa đó có thích hợp với cơ thể hay không. Nếu lượng đường sau khi uống tăng cao, phải giảm bớt lượng bột sữa pha vào. Cuối cùng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ của bạn về loại sữa bạn định dùng để được tư vấn thích hợp.
Bị tiêu chảy khi uống sữa thì phải làm cách nào khắc phục?
Trong sữa bò có chứa đường lactose. Muốn hấp thu đường lactose, cơ thể phải tiết ra một men tiêu hóa gọi là lactase. Một số người bị thiếu men lactase, nên lactose không được hấp thu, giữ nước lại trong lòng ruột gây tiêu chảy.
Cách khắc phục là nên bắt đầu uống sữa với lượng ít, pha loãng ra. Khi cơ thể quen dần, có thể tăng lượng sữa uống đến khi đạt một khẩu phần sữa. Nếu vẫn còn tiêu chảy, có thể chọn yaourt hoặc sữa đậu nành thay thế.
Quan niệm chưa đúng về sữa?
Sữa dùng cho người đái tháo đường có thể trị được bệnh. SAI. Sữa này không thể làm giảm đường huyết, do đó không thể thay thế thuốc chữa đái tháo đường được.
Nhầm lẫn giữa sữa và bột dinh dưỡng. Theo thói quen, chúng ta hay xem những loại bột khuấy vào nước tan thành dung dịch trắng đục là sữa. Tuy nhiên thực tế điều đó không đúng. Chính xác hơn, bột dinh dưỡng là các ‘bữa ăn thay thế’. Chúng được dùng trong các tình huống như: thay thế bữa ăn thông thường khi bệnh nhân ốm đau không ăn được, hoặc dùng để bơm qua ống thông dạ dày nuôi ăn, hoặc làm bữa ăn phụ giữa các bữa chính nếu đường huyết ổn định.
Về Yaourt thì sao?