7 triệu người chết/năm
Cùng với cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, tháng 4 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn xác nhận, đây chính là nhân tố rủi ro hàng đầu làm gia tăng “gánh nặng bệnh tật” cho các quốc gia, đặc biệt ở Nam Á. Bà Maria Neira, giám đốc cơ quan Y tế Công cộng thuộc WHO nhấn mạnh: tình trạng ô nhiễm trên toàn cầu chính là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh mãn tính, khiến ngày càng nhiều bệnh nhân phải nhập viện. Trên thực tế, các thống kê từ bệnh viện cho thấy, ngoài tổn hại đến đường hô hấp và gây ra các bệnh như hen suyễn , viêm phổi, ô nhiễm không khí cũng là thủ phạm gây ra các bệnh về đường huyết, tim mạch, thậm chí là mất trí nhớ.
Trong báo cáo đánh giá của WHO, phần lớn những trường hợp tử vong ô nhiễm không khí là do các bệnh tim mạch. Cụ thể: Tỷ lệ các trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí ngoài trời là: 40% bệnh tim thiếu máu cục bộ; 40% đột quỵ; 11% viêm phế quản mãn; 6% ung thư phổi; 3% nhiễm đường hô hấp cấp ở trẻ em. Tỷ lệ các trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà là: 34% đột quỵ; 26% bệnh tim thiếu máu cục bộ; 22% viêm phế quản mãn; 12% nhiễm đường hô hấp cấp ở trẻ em; 6% ung thư phổi.
Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong năm 2012, trên thế giới đã có 7 triệu người bị chết vì hậu quả của ô nhiễm không khí - chiếm tỷ lệ 1/8 tổng số người chết trên toàn cầu. Con số này gấp 2 lần so với dự tính trước đó và là bằng chứng khẳng định, ô nhiễm không khí hiện là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người.
Theo tính chất của khu vực, các nước có thu nhập thấp và trung bình tại Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ô nhiễm với khoảng 3,3 triệu người chết do ô nhiễm không khí trong nhà và 2,6 triệu người chết do ô nhiễm không khí ngoài trời. Tại Châu Âu, vì ô nhiễm không khí mà tuổi thọ trung bình của mỗi người dân đã bị suy giảm 8 tháng 18 ngày.
Tình trạng ô nhiễm trên toàn cầu chính là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh mãn tính.
10 năm, bệnh đường hô hấp tăng 4 lần
Ở Việt Nam, số lượng trẻ nhỏ nhập viện để điều trị các bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM), tỷ lệ bệnh nhân đến khám, chữa trị các bệnh về đường hô hấp – bệnh có tác động trực tiếp tức ô nhiễm không khí luôn ở mức cao. Cụ thể, với bệnh suyễn, vào năm 1996 chỉ có 3.047 trường hợp đến điều trị thì 10 năm sau, con số này tăng lên 11.491 trường hợp (gần 4 lần). Cùng khoảng thời gian này, số ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới tăng từ 2.727 trường hợp lên 3.772 trường hợp (1,3 lần); số ca viêm tai giữa tăng từ 441 lên 1.999 trường hợp (khảng 4,5 lần)… Tại Bệnh viện Nhi đồng II, các số liệu thống kê ghi nhận: trong khi các trẻ nhiễm ký sinh trùng, nhiễm trùng nhập viện ngày càng giảm thì bệnh lý về đường hô hấp lại gia tăng, thậm chí có thời điểm chiếm 40-50% số bệnh nhi điều trị nội trú. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, song không thể không kể đến tác động quá lớn từ môi trường.
Không chỉ dừng lại ở đó, với sự tồn tại của hàng loạt các vi khuẩn, virus, chất độc, kim loại nặng, ô nhiễm không khí còn được coi là tác nhân làm gia tăng các bệnh về da liễu như: viêm da, dị ứng, mụn nhọt… Tất nhiên, mức độ nặng, nhẹ sẽ phụ thuộc vào sức đề kháng cũng như thời gian tiếp xúc với khí độc của mỗi người.
Cũng vì không khí ô nhiễm mà nguồn thực phẩm chúng ta đang sử dụng cũng bị nhiễm khuẩn, nhiễm kim loại nặng... Đó chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như dạ dày, đại tràng…
Dễ suy hô hấp, tử vong nếu không khí có thủy ngân
Thời gian qua, dư luận hoang mang trước thông tin không khí ở Hà Nội đang chứa thủy ngân. Dù cơ quan chức năng sau đó đã bác bỏ thông tin này, tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là: nếu thủy ngân thực sự có trong không khí thì nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của con người?
Theo bác sĩ Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y 103 (Hà Nội), nếu hít phải thủy ngân trong không khí, chất độc này sẽ nhanh chóng hấp thu qua đường hô hấp, vào máu và di chuyển đến hệ thần kinh trung ương. Người hít phải thủy ngân sẽ có các biểu hiện đặc thù như: đau ngực, tức ngực, khó thở, ho sặc sụa, khạc đờm, viêm phế quản, viêm phổi. Kèm theo đó, bạn sẽ có cảm giác trong miệng có mùi kim loại nặng, toàn thân mệt mỏi, uể oải, lạnh bụng.
Trong một số trường hợp, hít phải thủy ngân có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí là tử vong. Một số khác lại biểu hiện bằng phản ứng bằng hiện tượng cơ thể phát ban đỏ trên diện tích lớn, kèm mẩn ngứa và đu nhẹ ở mặt, cổ, nách và đùi non. Ngoài ra, nhiễm độc thủy ngân còn gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, viêm ruột.
Vẫn theo bác sĩ Yên Lâm Phúc, nếu trong không khí có thủy ngân, người bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là trẻ nhỏ, người già vì đây là đối tượng có sức đề kháng yếu. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ còn không có ý thức phòng tránh cũng như không thể miêu tả được cảm giác hiện tại của cơ thể nên khó điều trị kịp thời. Tương tự, những người đang bị bệnh tim, phổi, thận hay viêm phế quản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng này.
Ô nhiễm không khí cùng những hệ lụy của nó như làn mây đen đang vươn dài cánh tay bao trùm vũ trụ. Để phòng tránh những nguy hại này, bạn nên làm gì để bảo vệ chính mình và những người thân?