Cần đi khám ngay nếu có dấu hiệu khó thở khi gắng sức. |
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý của phổi, do tình trạng tắc nghẽn đường thở trong phổi gây ra. Tại Việt Nam, có khoảng 5 triệu người đang mắc COPD. Nguyên nhân gây ra COPD gồm:
- Hút thuốc lá: Đây là nguyên nhân chủ yếu nhất, chiếm 80-90% trường hợp COPD. Tuy nhiên, chỉ 10-15% người hút thuốc lá bị COPD.
- Môi trường nghề nghiệp: Tiếp xúc với khói hóa chất, bụi vô cơ, bụi coton, bụi gỗ hay bụi hầm mỏ...
- Ô nhiễm không khí: Có thể làm tăng độ nặng của COPD ở những người hút thuốc lá.
- Các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp không được điều trị đúng.
- Cơ thể thiếu men alpha 1 antitrypsin (bẩm sinh)...
- Các bệnh viêm phế quản mạn, khí phế thũng và hen phế quản nặng cũng có thể dẫn đến COPD.
Triệu chứng chủ yếu của COPD là khó thở khi gắng sức, kết hợp với ho đờm và khò khè. Các dấu hiệu này diễn tiến rất chậm chạp và hầu như không nhận thấy. Đầu tiên, bệnh nhân chỉ khó thở nhẹ khi chơi thể thao, có thể chỉ ho nhiều vào buổi sáng. Dần dần, các triệu chứng trên sẽ tăng nặng và kéo dài hơn. Bệnh nhân khó thở khi đi bộ, thay đồ, cả khi ăn uống, xoay trở. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân thường có những đợt suy hô hấp cấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Bệnh cần được điều trị ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Lượng đờm tăng hơn thường ngày hoặc giảm một cách bất thường.
- Đờm trở nên đặc hơn và nhầy hơn.
- Đờm thay đổi màu sắc như vàng hoặc xanh.
- Trong đờm có lẫn máu.
- Khó thở nhiều hơn.
- Cảm giác không khỏe ngày càng tăng.
- Phù nề gia tăng.
- Tăng hoặc giảm cân mà không giải thích được.
- Khi nằm cần phải kê đầu cao hơn.
- Người bệnh hay nằm nghỉ hơn thường ngày.
- Thường xuyên nhức đầu hay chóng mặt, mất ngủ, giảm khoái cảm tình dục.
- Lơ mơ, nói nhảm hoặc lú lẫn.
Bạn có bị COPD không?
Hãy đến bác sĩ để xác định xem mình có bị COPD không nếu bạn trên 40 tuổi và trả lời “có” 2 lần cho các câu hỏi dưới đây:
- Bạn đã hút thuốc lá trong nhiều năm?
- Bạn có bị các đợt bệnh như hen hay viêm phế quản không?
- Bạn có bị ho lâu ngày và hay khạc đờm thường xuyên không?
- Bạn có thường ho vào buổi sáng không?
- Đợt cảm lạnh vừa rồi của bạn kéo dài nhiều tuần hoặc mỗi khi trời lạnh bạn có ít nhất một đợt cảm kéo dài?
- Bạn có bị khó thở khi gắng sức? Hoặc bạn có cảm thấy không khỏe, dễ bệnh không?
- Bạn có cảm thấy các cơn ho của mình thay đổi không? Có ho nông hơn hoặc đôi khi cảm giác ho ứ trong ngực?
- Bạn có cảm thấy tình trạng hô hấp của mình gần đây bị thay đổi không?
Phòng ngừa và giảm triệu chứng bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, Trung tâm Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch TP HCM, có thể phòng ngừa và làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh bằng các biện pháp sau:
- Ngừng hút thuốc lá: Đây là biện pháp đầu tiên và bắt buộc. Nếu vẫn tiếp tục hút, bệnh sẽ nhanh chóng diễn tiến đến mức độ nặng.
- Tránh các yếu tố độc hại trong môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá. Cần giữ ấm khi trời lạnh và giữ không khí thoáng mát khi trời nóng.
- Điều trị các đợt nhiễm trùng hô hấp một cách nhanh chóng và hiệu quả: Khi đã mắc COPD, cơ chế tự bảo vệ đường thở đã bị hư hỏng. Vì vậy, chỉ một nhiễm trùng nhẹ cũng cần điều trị ngay lập tức. Nếu nghi ngờ có nhiễm trùng hô hấp, hãy đến bác sĩ ngay.
Điều trị
- Thuốc giãn phế quản: Có tác dụng giúp người bệnh dễ thở hơn. Dạng thuốc hít được xem là an toàn và hiệu quả hơn cả, thường được chỉ định dài hạn. Các dạng thuốc uống có khả năng gây ngộ độc cao nên phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Corticoid: Làm giảm viêm, giảm phù nề và tiết đờm. Thuốc có tác dụng tốt cho một số ít trường hợp. Có ba dạng: uống, tiêm và hít. Dạng thuốc uống và tiêm không thể dùng dài hạn vì có các tác dụng phụ rất nguy hại như: mục xương, rối loạn kinh nguyệt, tiểu đường, loét dạ dày, huyết áp cao.
- Thuốc kháng sinh: Được bác sĩ chỉ định khi có dấu hiệu nhiễm trùng; ngừng thuốc khi hết nhiễm trùng.
Người bệnh nặng cần được thở oxy liều thấp dài hạn, 15 đến 18 giờ/ngày (tốt nhất là 24/24 giờ). Họ có thể dùng máy tạo oxy để thở tại nhà, giá 5.000 đến 7.000 USD/máy.
Người Lao Động