Mặt thớt của bạn bẩn gấp 200 lần bồn cầu
Đã bao giờ bạn tự hỏi, thớt thái thực phẩm có thể mang đến những tác hại tới sức khỏe của bạn? Sự thực là khi sử dụng sản phẩm này, bạn cần hết sức thận trọng, vì nó có thể tiềm ẩn nhiều nguy hại.
Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Thụy Sĩ do TS. Andreas F.Widmes thì các dụng cụ như thớt, bàn… dùng để giết mổ, chặt thịt gia cầm sống trong các bếp ăn công cộng cũng như gia đình có thể là “kho” lớn chứa và làm lan truyền các loại vi khuẩn kháng thuốc, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều loại vật nuôi được người ta “nhồi nhét” thức ăn có chứa các chất kháng sinh để chúng mau to, mau lớn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khoảng 75% lượng kháng sinh bán trên thị trường đã có “chủ đích” là dùng cho vật nuôi. Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện như vậy làm cho các vi khuẩn (cả trên người và động vật) trở nên kháng thuốc và các bệnh do chúng gây ra sẽ trở nên khó chữa trị hơn nhiều.
Trong quá trình giết mổ các động vật này, các vi khuẩn kháng thuốc nói trên có thể bám trên bề mặt thớt, bàn chặt thịt và cả tay người pha chế, từ đó có thể làm lây lan dịch bệnh…
Nguy hiểm rình rập từ vật liệu làm thớt
Hiện nay, thớt có nhiều chất liệu phong phú. Ngoài tre và gỗ truyền thống, thớt ở thị trường hiện nay được tạo thành từ nhiều loại hợp chất như: Thủy tinh, đá, đá cẩm thạch, nhựa...
Nhiều người vẫn yêu thích thớt gỗ vì nó bền, không hại dao nhanh. Tuy nhiên, chính loại vật liệu này lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Ngoài những loại có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng còn xuất hiện những loại không nguồn gốc, thực chất đó là sản phẩm được các xưởng chế biến đồ gỗ tận dụng từ những mẩu gỗ thừa hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc, bán với giá thành rẻ nên được nhiều người mua.
Khi sử dụng, màu của sản phẩm và vụn gỗ có thể bám vào thức ăn, nếu đi vào cơ thể với một số lượng lớn, thường xuyên sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.
Nhẹ thì nổi vài vết mẩn ngứa dị ứng, nặng hơn thì tiêu chảy đau bụng, còn nặng hơn nữa thì lên cơn khó thở, suyễn, hay thậm chí bị sốc phản vệ.
Nguy hiểm rình rập do thớt vệ sinh không đúng cách
Làm sạch thớt là việc làm thường xuyên, cần thiết và quan trọng để đảm bảo vệ sinh. Nếu vệ sinh thớt không đúng cách, vi khuẩn sẽ bám đọng và tấn công sức khỏe của chúng ta.
Nhiều người sau khi sử dụng chỉ tráng nước sôi hoặc nước lạnh, nhưng như vậy là chưa đủ.
Đối với thớt gỗ, mùn và những vùng đen trên thớt chính là các ổ vi trùng còn lại sau mỗi lần bạn sử dụng. Dù bạn đã rửa sạch bằng nước, trong các vết cắt trên bề mặt thớt, vi khuẩn vẫn tồn tại và phát triển.
Trong ổ vi khuẩn đó có một số loại dễ gây bệnh như salmonella gây viêm dạ dày, ruột, sốt thương hàn và Ecoli gây tiêu chảy.
Khi thớt bị ố, ngả màu, bạn nên ngâm thớt trong giấm, nước cốt chanh trong vòng hai giờ, rửa sạch lại bằng nước rửa bát, tráng nước sôi để làm thớt sạch và mới lại, giúp kéo dài tuổi thọ của thớt.
Đối với thớt thủy tinh, sau khi sử dụng, bạn cần treo thớt nơi khô thoáng, có ánh nắng để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Sau sáu tháng sử dụng hoặc khi mặt thớt xuất hiện vết nứt, vỡ, ngả màu đen, có mùi lạ, bạn nên thay thớt mới.
Đối với thớt nhựa, khi sử dụng bạn tránh ấn dao quá mạnh khiến các vết dao hằn trên mặt thớt, tạo thành những khe hở cho vi khuẩn sống, đồng thời làm thớt nhanh cũ.
Khi sử dụng, thớt tre cũng dễ bị nứt theo các khe rãnh tạo điều kiện cho vi khuẩn ẩn mình, gây bệnh rất nguy hiểm. Bạn nên vệ sinh thớt như đối với thớt gỗ, chỉ tráng nước sôi không thể làm sạch vi khuẩn bám trong thớt:
Xà phòng
Ngâm một chiếc khăn lau sạch vào hỗn hợp nước xà phòng đã được pha loãng với nước nóng rồi dùng khăn chùi toàn bộ bề mặt của thớt. Lặp lại nhiều lần cho đến khi thớt sạch hẳn các vết bẩn, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Thuốc tẩy
Cho 1 muỗng canh thuốc tẩy và 1,5 lít nước vào chai xịt và lắc đều để thuốc tẩy hoà tan đều trong nước. Dùng hỗn hợp này xịt lên mặt trên của thớt rồi đợi khoảng 10 phút sau mới rửa sạch lại thớt bằng nước ấm. Tiếp tục dùng khăn lau sạch bề mặt của thớt. Chú ý không để dung dịch thuốc tẩy dính lên quần áo hoặc các loại khăn lau trong bếp. Lặp lại các thao tác trên đối với mặt sau của thớt và kết thúc bằng việc dùng khăn sạch lau khô toàn bộ thớt.
Chanh và muối
Cắt trái chanh làm đôi và nặn nước chanh đều trên bề mặt của thớt. Tiếp tục rắc muối vào những chỗ có nước chanh. Bạn nên chọn loại muối có hạt thô vì chúng sẽ giúp chà xát bề mặt thớt tốt hơn. Nếu không có muối, hãy dùng bột nở (baking soda) để thay thế.
Dùng miếng chanh đã cắt, chà xát bề mặt của thớt theo hình vòng tròn để hỗn hợp chanh và muối hòa tan và làm sạch thớt. Sau đó, rửa thớt dưới vòi nước đang chảy để nước chanh và muối trôi hết. Lau sạch thớt bằng khăn lau chén và dùng khăn giấy thấm khô hết lớp nước còn bám trên thớt.
Lặp lại các bước vệ sinh như trên đối với mặt sau của thớt.
Giấm
Rót giấm nguyên chất lên cả hai mặt của thớt rồi dùng khăn giấy lau khô. Giấm là chất tẩy rửa cực mạnh, có thể tẩy sạch mùi hôi bên cạnh việc khử trùng và làm sạch thớt.
Một số lưu ý nhỏ
- Dùng thuốc tẩy để lau chùi thớt có thể khiến cho bề mặt thớt gỗ bị khô. Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách dùng sáp ong thoa đều lên bề mặt thớt để giảm bớt độ khô do thuốc tẩy gây ra.
- Sau khi thái thịt hoặc cá trên thớt gỗ, nên vệ sinh thớt ngay và dùng dung dịch ô-xy già 3% xịt lên thớt để khử trùng nhằm tẩy sạch những vi khuẩn nguy hiểm thường có trong các loại thịt động vật. Sau khi xịt ô-xy già, hãy rửa thớt lại bằng nước sạch và dùng khăn giấy lau khô.
- Không ngâm thớt gỗ vào trong nước vì thớt sẽ ngấm nước và bị nứt.
- Luôn lau khô thớt sau khi đã vệ sinh sạch sẽ.