Tiêu chảy cấp do rotavirus hay tiêu chảy mùa đông là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus rota gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 đến 24 tháng.
Sau 1-4 ngày bị lây nhiễm virus, trẻ có các biểu hiện của bệnh. Thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài, có bé thì bị đi ngoài rồi mới nôn. Hiện tượng nôn trớ đến rất bất ngờ, bé đang chơi, ăn uống bình thường nhưng chỉ qua nửa ngày đã có thể có hiện tượng này, cứ ăn cái gì vào là nôn ra cái đó. Trẻ thường đi ngoài nhiều lần trong ngày (phân màu xanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải), phân thường nhiều nước.
Ngoài ra, trẻ có thể ho , sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày là khỏi.
Số trẻ bị tiêu chảy do rotavirus tăng lên đáng kể trong mấy ngày gần đây. Ảnh: D.N. |
Đây là bệnh thông thường, có thể điều trị ở nhà. Điều quan trọng nhất bù nước, bù điện giải, tốt nhất là bằng nước oresol. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những trẻ bị ngộ độc nguy kịch vì cha mẹ pha sai liều. Lý do vì mùi lạ, trẻ không chịu uống nên có người chia nhỏ lượng thuốc hoặc pha cả gói thuốc với một chút nước, khiến tỷ lệ pha rất đặc so với khuyến cáo mà không lường hết được những nguy cơ có thể xảy ra.
Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội), cho biết dung dịch đậm hơn thì khi uống vào tiêu chảy sẽ tăng lên, ngược lại nếu pha loãng hơn thì sẽ không có tác dụng bù nước và chất điện giải.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Bàng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khi trẻ bị tiêu chảy, tình trạng mất nước trầm trọng khiến bé rất khát nước. Trong khi đó, oresol có thành phần là muối, đường…, nên nếu pha đặc hơn so với khuyến cáo thì khi bé uống không khác gì uống một cốc nước muối, trẻ càng khát hơn.
Theo các chuyên gia, việc pha oresol cần phải đong thể tích nước chính xác đến từng ml. Một gói oresol theo chỉ dẫn phải pha với 200ml nước đun sôi để nguội, nhưng có bé lại uống cả gói chỉ với khoảng 40ml nước, khiến bé “nạp” vào quá nhiều muối, rất nguy hiểm. Khi uống oresol với nồng độ quá đặc như thế sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, gây tình trạng tế bào bị hút hết nước nên bị teo tóp lại. Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng…
"Điều nguy hiểm nhất là tế bào não bị teo tóp lại, gây tổn thương tế bào não, khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê. Nếu không biết để cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong", tiến sĩ Bàng khuyến cáo.
Cha mẹ nên đút từng thìa một cho trẻ, 2 phút một lần, không nên cho bé tu hoặc uống liên tục. Uống nhiều và liên tục, oserol không những không hấp thu vào đường ruột mà lượng nước có thể mất nhiều hơn do bị nôn. Nếu trẻ bị nôn thì dừng lại 10 phút, sau đó cho uống lại với tốc độ chậm hơn.
Có gia đình chỉ cho trẻ uống nước lọc nên không hiệu quả, hoặc cho trẻ uống cháo gạo quá mặn, nước hoa quả pha đường. Thậm chí, có người nghĩ cứ cho uống thật nhiều nước là được, bất kể là nước gì nên cho con uống cả nước coca, soda và các loại nước có ga cấm dùng cho trẻ tiêu chảy..., khiến bệnh của trẻ càng nặng hơn.
Một điều cần lưu ý khi chăm con bị tiêu chảy là cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy. Thuốc không có tác dụng tiêu diệt virus mà còn làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài. Do đó, trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy, mà phân không được bài xuất ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây chướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bà mẹ cũng không nên sử dụng các thuốc chống nôn. Việc dùng thuốc chống nôn có thể gây ức chế thần kinh, khiến trẻ ngủ li bì, khó phát hiện nếu tình trạng bệnh nặng hơn. Cha mẹ cũng tránh kiêng khem quá mức như không cho trẻ uống sữa, chỉ cho trẻ ăn cháo trắng với muối, như thế sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh nặng hơn.
Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Nhuận cho biết, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng văcxin. Đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh bàn tay cho trẻ sạch sẽ. Virus này chủ yếu gây bệnh cho trẻ qua đường tiêu hóa, virus từ phân người bệnh, bám vào bề mặt, các vật dụng trong gia đình, qua tay bé hoặc tay của người chăm sóc, rồi xâm nhập miệng và gây bệnh.
Nếu bé đi ngoài, nôn nhiều, mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, nằm li bì, có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da nhăn nheo thì cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được truyền dịch kịp thời.
Phương Trang