Nhiều người vẫn nghĩ bệnh thận chỉ xảy ra ở người lớn, trên thực tế tỷ lệ trẻ em mắc bệnh này khá cao.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng Khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khoảng 70 bệnh nhi đang điều trị nội trú và hơn 500 bé được quản lý ngoại trú hiện nay. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận hơn 100 ca mới bị bệnh thận hư và gần 20 ca mới suy thận mạn.
Trẻ em vẫn có nguy cơ mắc các bệnh về thận. Ảnh: st |
Theo bác sĩ Thúy, trẻ em có nguy cơ bị thận bẩm sinh do nhiều nguyên nhân, trong đó thường thấy là do người mẹ sử dụng thuốc hạ áp và một số loại thuốc không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình mang thai.
Ngoài ra, khi các bé mắc một số bệnh như bệnh nhiễm trùng, bệnh viêm họng (đối với trường hợp bệnh viêm họng do vi khuẩn, chủ yếu liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A Streptococcus gây ra)… nếu không được điều trị tốt thì cũng dễ dẫn đến bệnh thận.
Một số bệnh trẻ hay gặp là nhiễm trùng đường tiểu, bệnh thận hư, viêm cầu thận cấp…
Những triệu chứng thường gặp:
- Đi tiểu ra máu, buốt đau, tiểu rỉ rỉ không thành vòi, nước tiểu đục.
- Bị phù, sưng mặt, cao huyết áp.
- Một số trường hợp, bé có triệu chứng hay nôn ói, nhức đầu, biếng ăn, chậm lớn.
Khi trẻ có những biểu hiện này thì cần nhanh chóng cho bé đi thăm khám để có hướng điều trị kịp thời.
Một số lưu ý:
- Thận là bệnh phải điều trị lâu dài, phải kiên nhẫn tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, thực hiện đúng lịch điều trị, tái khám do bác sĩ chỉ định.
- Kiểm soát chế độ ăn uống của trẻ hợp lý, không cho bé ăn quá mặn.
- Lúc mang thai, mẹ không tự động dùng thuốc.
Lê Phương