Theo Tân Hoa xã, các mẫu chim bồ câu trên được lấy tại một chợ bán các mặt hàng nông sản ở quận Songjiang, Thượng Hải. Kết quả xét nghiệm mẫu trong phòng thí nghiệm cho kết quả dương tính với virus h7n9 . Kết quả phân lập gene cũng cho thấy, chủng virus cúm H7N9 tìm thấy trên chim bồ câu tương đồng với loại virus trên các bệnh nhân cúm H7N9.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Trung Quốc, hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus này lây từ người sang người và không có mối liên hệ về dịch tễ học giữa các ca bệnh.
Từ giữa tháng 2, liên tiếp tại Thượng Hải, An Huy, Giang Tô và mới nhất là Chiết Giang (Trung Quốc) xuất hiện các ca bệnh cúm H7N9, hầu hết đều trở nặng nhanh chóng. Đến nay, trung quốc đã có 14 ca mắc và 5 trường hợp tử vong. Riêng Thượng Hải có 6 người bệnh thì 4 đã tử vong. Trong 2 bệnh nhân còn lại có một trẻ 4 tuổi, trong tình trạng bệnh nhẹ.
Tại Việt Nam trước nguy cơ bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào, trong ngày 4/4, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các ngành quyết liệt ngăn gia cầm nhập lậu, chống sự xâm nhiễm H7N9. Bộ Y tế cũng đã có công điện gửi các tỉnh, thành yêu cầu triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Để phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt hành vi cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y. Người trở về nước tư khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khoẻ cho cơ quan y tế địa phương. Khi có các biểu hiện cúm như: ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sơ y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Phương Trang