Theo các bác sĩ trung tâm dinh dưỡng TP HCM, với bệnh nhân đái tháo đường chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý có thể giúp kiểm soát tốt đường huyết, giảm các biến chứng. Trong đó, vận động là phương pháp cơ bản trong điều trị bệnh vì làm tăng sử dụng năng lượng, chất béo, chất bột đường, giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu và giảm cân.
Ngoài ra, vận động tạo cảm giác khỏe khoắn, giảm lo lắng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp cải thiện chức năng tim phổi, phòng ngừa teo cơ ở người lớn tuổi.
Bệnh nhân tiểu đường cần vận động thường xuyên bằng những môn thể thao nhẹ nhàng. Ảnh: diabetescounselling |
Một số lời khuyên để có chế độ vân động hợp lý
- Nên vận động thường xuyên 3-5 ngày trong tuần.
- Nên vận động ở mức độ nhẹ và trung bình, kéo dài 20-30 phút mỗi ngày.
- Nên vận động cùng với bạn bè, người thân để được giúp đỡ khi cần thiết.
- Có thể vận động với loại hình mình yêu thích nhưng phải phù hợp với tuổi tác và sức khỏe. Tốt nhất nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
- Đi bộ, đạp xe, bơi lội, dưỡng sinh... là những môn thể dục thích hợp với người đái tháo đường.
- Tập thói quen vân động nhẹ nhàng sau bữa ăn giúp hạ đường huyết.
Một số lưu ý cần thiết
- Nên mang theo thức ăn có đường để phòng hạ đường huyết trong thời gian vận động.
- Thời gian tốt nhất để vận động khoảng 3-4 giờ sau khi ăn. Tránh vận động lúc bụng đói.
- Bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng nên hạn chế vận động.
Những trường hợp không nên vận động
- Đường huyết <70 mg>
- Có ceton trong nước tiểu và đường huyết lớn hơn 250 mg/dl (13,9 mmol/l)
- Không có ceton trong nước tiểu nhưng có đường huyết trên 300 mg/dl ở đái tháo đường tuýp 1 và trên 400mg/dl ở người đái tháo đường tuýp 2.
- Khi nghỉ ngơi mà có cơn đau thắt ngực.
Lê Phương