Với người bị tiểu đường, loét bàn chân là một biến chứng nguy hiểm, hay xảy ra ở mu bàn chân, ngón cái, với tỷ lệ tử vong vì biến chứng này gần bằng tỷ lệ tử vong do ung thư hay căn bệnh thế kỷ AIDS.
Một khi bàn chân đã bị loét thì sẽ khó có cơ hội hồi phục. Trong số những trường hợp bị như vậy thì có khoảng 10-30% sẽ bị cắt chi. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không giải quyết được triệt để vấn đề do tỷ lệ tái cắt chi và nguy cơ tử vong sau khi cắt cao.
Bác sĩ Nguyễn Trần Kiên, Trưởng khoa bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cho biết, nguyên nhân gây loét bàn chân là do bệnh tiểu đường gây biến chứng mạch máu, từ đó gây tắc động mạch chân, gây hoại tử khô, sau đó nhiễm trùng gây hoại tử ướt. Ngoài ra, các bệnh lý thần kinh ngoại biên cũng làm tăng nguy cơ loét bàn chân.
Người mắc bệnh tiểu đường cần hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là tự thăm khám bàn chân thường xuyên. Ảnh: N.P. |
Đáng chú ý giầy là nguyên nhân phổ biết gây loét. Chỉ một vết xước nhỏ ở bàn chân do đi giày dép quá chật nhưng không phát hiện kịp thời cũng có thể trở thành vết loét nặng, nhiễm trùng và dẫn đến hoại tử phải cắt chi. Trong khi nếu phát hiện sớm và được chữa trị kịp thời có thể ngăn ngừa những tổn hại lâu dài, ngăn ngừa việc đoạn chi tới 85%.
Vì thế, để giảm nguy cơ tổn thương bàn chân, bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần biết cách tự khám, chăm sóc bàn chân. Thăm khám bàn chân cần khám da, mạch máu, thần kinh, cơ xương, giầy dép có phù hợp. Về da, người bệnh cần để ý đến màu sắc có gì bất thường.
Cụ thể, cần tập thói quen kiểm tra bàn chân ít nhất 1 lần trong ngày. Các vết nứt trên da, phỏng rộp, vết thâm, các nốt chai chân và những chỗ đau trên da đều cần quan sát kỹ. Hãy chuẩn bị tấm gương nhỏ soi toàn bộ bàn chân từ lòng tới những kẽ chân nơi khó quan sát để thấy được điều bất thường.
Luôn giữ chân sạch với nước ấm và xà phòng trung tính. Tuy nhiên không nên ngâm chân trong nước quá nóng (nhiệt độ nước không nên quá 37 độ C) hoặc ngâm nước ấm quá lâu. Sau khi rửa, dùng khăn bông mềm thấm khô, đặc biệt các kẽ ngón chân.
Ngoài ra, người bệnh nên cắt tỉa móng chân theo đường vòng của ngón, không lấy khóe cũng như tự mình cắt các vết chai ở chân, cắt móng chân không quá sát, để bảo vệ niêm mạc ngón chân, không để tạo ra móng quặp. Không đi tất, giầy dép chật, không nên để chân không ngay cả khi ở nhà. Tập cử động các ngón chân trong khoảng 5 - 10 phút, vài lần trong ngày.
Bên cạnh đó cần chú ý tránh dùng những hóa chất có tác dụng sát trùng quá mạnh, tránh tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện chưa có thuốc chữa khỏi bệnh tiểu đường nhưng 80% trường hợp mắc đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng tránh được bằng chế độ ăn uống hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực.
Biểu hiện của bệnh thường là người mệt mỏi, đi tiểu nhiều, sút cân, vết thương lâu lành, luôn đói, có vấn đề về sinh hoạt tình dục, nhìn mờ, khát, uống nhiều nước, nhiễm khuẩn âm đạo… Những người có nguy cơ mắc bệnh cao như: trong gia đình có người ruột thịt đã mắc bệnh, tuổi từ 45 trở lên, thừa cân béo phì, phụ nữ sinh con trên 4 kg, người ít vận động, người mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
Phương Trang