Ảnh minh họa: hivdongnai. |
Trả lời:
Chào bạn,
Các xét nghiệm HIV nói chung gồm hai loại: Loại thứ nhất nhằm tìm ra kháng thể kháng HIV, loại thứ hai nhằm tìm ra chính bản thân (toàn bộ hay một bộ phận) của HIV.
Trong tầm soát và chẩn đoán HIV, thông thường người ta sử dụng loại xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV trong máu, bao gồm cả test nhanh, Elisa, Western Blot… Xét nghiệm PCR nhằm tìm ra bản thân virus HIV thường chỉ áp dụng trong chẩn đoán nhiễm HIV sớm cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
Chính vì bản chất của xét nghiệm là tìm kháng thể kháng HIV giúp gián tiếp chẩn đoán cơ thể người đó đã nhiễm HIV, nên đòi hỏi thời gian “chờ” để cơ thể sản sinh kháng thể đủ để xét nghiệm phát hiện được. Khoảng thời gian này gọi là “thời kỳ cửa sổ”, được tính khoảng 3 tháng (một số rất ít trường hợp có thể dài hơn, lên đến 6 tháng).
Do vậy, tiêu chuẩn xác định âm tính đòi hỏi thỏa mãn một trong hai tình huống:
- Xét nghiệm âm tính 2 lần liên tiếp, cách nhau ít nhất 3 tháng, không có hành vi nguy cơ nào phát sinh.
- Xét nghiệm âm tính 1 lần, cách lần có hành vi nguy cơ gần nhất ít nhất 3 tháng.
Một điểm cần lưu ý, do tính chất “âm thầm” của loại virus này, ngành y tế luôn khuyến cáo bệnh nhân đi xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, chứ không chờ đủ thời gian cửa sổ.
Khi có hành vi nguy cơ trước đây, hay thậm chí vừa mới phát sinh hành vi nguy cơ trong tuần trước chẳng hạn, người đó vẫn nên đến làm xét nghiệm kiểm tra. Đây vừa là cơ hội để tham vấn viên cung cấp thêm thông tin về dự phòng, vừa là cơ hội để khách hàng được theo dõi, nhắc nhở cho những lần xét nghiệm tiếp theo cũng như có thể phát hiện nhiễm HIV sớm nhất có thể. Và khi tham vấn HIV, khách hàng có thể hiểu thêm về các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, và cũng có thể lựa chọn tầm soát nhằm phát hiện sớm những căn bệnh này.
Nói tóm lại, khoảng thời gian 3 tháng được xem là mốc thời gian an toàn cho xét nghiệm tầm soát HIV nói chung.
Thân ái.
BS Nguyễn Tấn Thủ
Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới