Theo Tiến sĩ Đỗ Quốc Huy, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (TP HCM), chấn thương sọ não là loại cấp cứu có tỷ lệ lớn trong các tai nạn thường gặp do giao thông, lao động, sinh hoạt như té ngã, đánh nhau...
Bệnh nhân chấn thương sọ não cần được sơ cứu đúng cách và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Ảnh minh họa: Trung Hào. |
Tùy vào mức độ và vị trí va đập, nạn nhân chấn thương sọ não có thể bị các tổn thương hở như vỡ sọ, vết thương xuyên thấu hoặc các tổn thương kín như dập não, xuất huyết nội sọ hoặc tổn thương lan tỏa. Các trường hợp máu tụ nội sọ có thể gây tụ máu màng cứng, tụ máu màng cứng và máu tụ trong não. Bệnh nhân cũng có thể phù não, tụt não, nhiễm trùng não, co giật.
Theo các bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, khi phát hiện người gặp nạn có va đập đầu, điều đầu tiên là thông báo ngay cho mọi người xung quanh trợ giúp. Không nên vội vàng di chuyển nạn nhân. Khi di chuyển phải thực hiện đúng các phương pháp mang vác, khiêng cáng. Đặc biệt thận trọng với những nạn nhân đang nghi ngờ bị tổn thương cột sống.
Đặt bệnh nhân nằm ở nơi thoáng khí theo tư thế chống sốc, nếu không có chảy máu đầu cổ, không bị nhồi máu cơ tim thì đầu kê thấp, kê chân cao khoảng 20 cm. Bệnh nhân có thể được ủ ấm bằng áo hoặc chăn. Tập trung nghiên cứu những tổn thương quan trọng nhất, cần ưu tiên hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
Gọi xe cấp cứu sau khi sơ cứu, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về tai nạn như xảy ra như thế nào, lúc nào, tình trạng bệnh nhân. Nếu không thể gọi cấp cứu, những người có mặt phải lập tức tìm mọi cách để đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Cũng theo các bác sĩ, điều tối kỵ là cho người bị hôn mê uống nước, vắt chanh vào miệng vào mũi vì khả năng bị ngạt hoặc sặc là rất cao.
Với những bệnh nhân bị vỡ, móp hộp sọ, cần xử trí tình trạng ngưng tim ngưng thở trước, vận chuyển người bệnh nhẹ nhàng. Quan trọng, nên cố định nạn nhân bằng cách chèn vải, chăn gối ở phần đầu, cổ và thân người để tránh cử động phần đầu.
Với bệnh nhân bị va đập đầu nhưng chưa có biểu hiện nguy kịch, người nhà cũng nên theo dõi chặt chẽ trong hai ngày. Khi thấy có nôn ói, đau đầu, sốt, rỉ máu tai miệng, thân nhiệt thấp, chân tay lạnh, lơ mơ, nói sảng, hỏi không trả lời, cấu véo không phản ứng, thì phải lập tức đưa đến bệnh viện.
Không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc, chỉ cho ăn uống nhẹ như cháo hoặc súp, không dùng thức uống có cồn.
Trung Hào