1. Carol - Nhà thiết kế Sandy Powell
Nhà thiết kế danh tiếng đã ba lần đoạt giải Oscar ở hạng mục này với các phim Shakespeare in Love (1998), The Aviator (2004) và The Young Victoria (2009). Năm nay, giới chuyên gia đánh giá bà có đến 40% cơ hội giành được tượng vàng Oscar thứ tư với hai đề cử cùng hạng mục là Carol và Cinderella.
Bộ phim về đề tài đồng tính nữ Carol đặt bối cảnh tại Mỹ những năm 1950 với phong cách trang nhã và kiểu cách. Đây là giai đoạn khó khăn sau chiến tranh nên yêu cầu đặt ra với Sandy Powell là lối ăn mặc của giới nhà giàu lúc này đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ thời thượng.
Những bộ cánh của quý bà carol giàu có hầu hết là gam màu bắt mắt như đỏ san hô, cam đất, xanh mòng két, phom áo mang vẻ thanh thoát, sang trọng và không quá phô trương. Điểm nhấn nằm ở những chiếc cài áo hay món trang sức ngọc trai của nhân vật. Ngoài ra, không thể thiếu mũ nồi, khăn choàng và áo khoác lông thú - những phụ kiện thịnh hành trong giai đoạn này.
Những lời khen dành cho trang phục phim nằm ở sự tinh tế và cẩn trọng đến từng chi tiết theo lịch sử. Nhưng để gọi là xuất sắc, khả năng giành giải của Carol chưa phải cao nhất.
2. Cinderella - Nhà thiết kế Sandy Powell
Cinderella có cốt truyện không mới nhưng bối cảnh hoành tráng cùng tạo hình mang sắc màu cổ tích là yếu tố thu hút khán giả. Trang phục phim mang phong cách retro và Haute Couture, lấy cảm hứng từ nước Nga thập niên 1940 và hai huyền thoại sắc đẹp một thời Joan Crawford và Marlene Dietrich.
Với bàn tay của Sandy Powell, có rất nhiều thiết kế kiệt tác cùng góp mặt trong một tác phẩm. Chiếc đầm dạ hội 10 lớp lụa màu xanh ngọc và váy cưới thêu hoa thủ công của nàng Lọ Lem, giày pha lê Swarovski nguyên khối huyền thoại, chiếc đầm bồng bềnh bắt sáng của bà tiên đỡ đầu hay những bộ cánh vương giả nhưng phù phiếm của mẹ con dì ghẻ khiến khán giả thích thú. Đằng sau mỗi chi tiết trên trang phục gửi gắm nhiều tầng ý nghĩa. Điều đơn giản nhất là màu sắc trang phục làm nên sự tinh tế cho từng nhân vật.
Với xu hướng yêu thích thể loại phim cổ tích của các giám khảo Oscar trong những năm gần đây, đây là ứng cử viên tiềm năng cho tượng vàng " thiết kế trang phục xuất sắc".
3. The Revenant - Nhà thiết kế Jacqueline West
Cái tên Jacqueline West với hai đề cử Oscar trước đây cho Quills và The Curious Case of Benjamin Button có thể bảo chứng cho một điều bất ngờ với The Revenant.
Khác những trang phục lung linh và hào nhoáng trước đây, trong The Revenant, nhà thiết kế phải xoay sở với những bộ áo da động vật dày cộm và nặng nề, những bộ áo vải sờn rách và bẩn thỉu, dính đầy máu và bùn đất. Đặc biệt, West đã đặt mua da thú thật, trong đó có da gấu, rái cá và nai sừng tấm từ những bộ tộc thiểu số ở Canada rồi thử nghiệm hàng chục loại chất bẩn cũng như mỡ động vật lên trang phục để chúng đạt độ bẩn như thật, hợp bối cảnh khốc liệt trong từng thước phim.
Tuy nhiên, mùi dầu mỡ ôi thiu là thách thức kinh khủng cho các diễn viên. Vì vậy, nhà thiết kế và cộng sự sáng tạo nên một hợp chất gọi là sáp đen trông giống mỡ gấu nhưng không còn mùi để đắp lên trang phục và rửa đi sau mỗi ngày diễn.
Sự đầu tư và mức độ kỳ công của trang phục xứng đáng để phim có một đề cử nhưng Jacqueline West và The Revenant hẳn sẽ khó khăn để chạy đua cùng các ứng cử viên sáng giá còn lại.
4. The Danish Girl - Nhà thiết kế Paco Delgado
The Danish Girl cũng là một đối thủ đáng gờm của Cinderella trong cuộc chạy đua về thiết kế trang phục. Phong cách thập niên 1920 trong phim - lấy tư liệu từ những nhà thiết kế Pháp thời đó như Paul Poiret, Jeanne Lanvin và Coco Chanel - được thể hiện chi tiết qua váy dáng suông che vòng eo, những đôi giày Mary Janes gót thấp đặc trưng, mũ quả chuông hay khăn lụa buộc đầu.
Phục trang trong phim được giới chuyên môn đánh giá cao không chỉ ở phục sức cầu kỳ của giai đoạn này mà còn ở cách trang điểm và chọn hình ảnh cho từng nhân vật qua những gì họ ăn diện. Nhờ bàn tay của nhà thiết kế Paco Delgado, phục trang và cách trang điểm thể hiện được điểm nhấn xuyên suốt bộ phim: sự chuyển biến của Einar Wegener - nhân vật chuyển giới đầu tiên trong lịch sử - từ đàn ông trở thành phụ nữ. Những chiếc áo măng tô, bộ vest đen xám cứng cùng áo gile khi còn là nam giới đã chuyển thành váy flapper mềm mại bằng lụa chiffon, mang tông màu trầm khi Einar thành nữ và sau đó là những gam màu ấm như tâm trạng của nhân vật chào đón con người thật của mình.
Chi tiết đắt giá nhất phim là phân cảnh Gerda nhờ chồng giả gái thay cô người mẫu Ulla thực hiện phần còn lại của bức họa dang dở. Từ giây phút chạm vào chiếc váy bồng bềnh, Einar đã xuất hiện những cảm xúc kỳ lạ trong tâm hồn. Đó là một thông điệp ý nghĩa với làng mốt: thời trang góp phần đánh thức bản năng giới tính ẩn sâu trong con người.
5. Mad Max: Fury Road - Nhà thiết kế Jenny Beavan
Từng đạt giải Oscar thiết kế phục trang với bộ phim Room with a View, nhà thiết kế Jenny Beavan rất thành thạo trong việc sử dụng trang phục để làm bật lên số phận và tính cách nhân vật.
Với hơn 3.500 bản vẽ, đội ngũ thiết kế tạo ra hàng nghìn phụ kiện và trang phục cho nhân vật. Những trang phục thời kỳ hậu khải huyền vẫn đậm chất steampunk. Đây là phong cách mang dấu ấn thời kỳ hoàng kim của máy hơi nước thế kỷ 19, là sự giao thoa của công nghệ và sự lãng mạn. Steampunk xuất hiện với nhiều phong cách khác nhau, có thể là mũ, áo đuôi tôm, kính bảo hộ và bánh răng, hoặc mũ bảo hiểm pith, áo khoác kaki, ria mép và súng bắn bằng lực hơi nước. Nó còn có thể là áo khoác dùng trong phòng thí nghiệm, các thiết bị, kính lúp và những phát minh điên rồ. Phong cách này trong Mad Max được biến tấu nhẹ nhàng, để khi nhìn vào các nữ chiến binh, khán giả cảm giác được sự mềm mại và nữ tính trong trang phục. Đó là ý tưởng của đạo diễn George Miller khi xem một vở ballet với các vũ công quấn quanh người những mảnh vải trắng thanh thoát.
Tổng thể trang phục, vũ khí, phương tiện chiến đấu trong phim đều nhất quán trên cùng một nguyên tắc. Nhưng với phong cách bụi bặm chốn sa mạc thay vì lung linh và hào nhoáng, Mad Max khó có khả năng làm nên bất ngờ trước những ứng cử viên còn lại.
Sao Mai