nhiếp ảnh gia nổi tiếng David Bailey đã từng miêu tả nhiếp ảnh thời trang đơn giản chính là “một bức chân dung ai đó đang diện một chiếc váy đẹp”. Bức ảnh chân dung xã hội của Victorian được biết đến như là gốc rễ của lĩnh vực này.
Ngay từ những năm 1840, những ngôi sao trẻ mới nổi cho đến những diễn viên điện ảnh hay vũ công, đã bắt đầu thuê riêng những thợ ảnh đến chụp ảnh chân dung cho họ, trong những trang phục lộng lẫy trước hoặc sau giờ biểu diễn.
Giống như việc xa xưa, thế hệ trước của họ vẫn thường diện váy áo rồi ngồi hàng giờ để các họa sĩ có thể hoàn thành bức chân dung thật tuyệt mỹ.
Và câu chuyện thật sự bắt đầu khi sự nghiệp rực rỡ của nhiếp ảnh gia tên tuổi Yet Bailey chứng minh cho công chúng thấy sức mạnh thực thụ của ống kính máy ảnh. Irving Penn – một trong những tay ảnh “lâu đời” nhất của tạp chí thời trang Vogue cũng đã từng nói: “nghề của tôi là bán giấc mơ, chứ không phải quần áo”.
Không chỉ là việc đơn thuần chụp lại chất liệu hay kiểu cách của váy áo, những bức ảnh được xem là nhiếp ảnh thời trang thực thụ chỉ khi chúng có thể truyền cảm hứng hay nói cách khác là “khêu gợi” ra ước muốn được sở hữu món đồ của người xem.
Nhiếp ảnh thời trang còn là một lĩnh vực mà nguyên tắc dường như không bao giờ tồn tại. Việc cần làm nhất của các nhiếp ảnh gia chính là liên tục phá vỡ các giới hạn đã có, không ngừng sáng tạo. Lĩnh vực mới này được xem như sự giao thoa giữa nghệ thuật và thương mại, giữa sự sáng tạo của con người và sức mạnh của công nghệ.
Không cần biết đó là một tấm hình thời trang đơn thuần hay là một quảng cáo, chúng đều là công cụ phản ánh cả một nền văn hóa đương đại to lớn, đi cùng những sự kiện thế giới và ghi dấu những thay đổi sâu sắc trong vai trò của phụ nữ suốt thế kỷ 20.
Bức ảnh thời trang chụp tại sông Seine, Pháp được đăng trên tạp chí Harper’s Bazaar Mỹ tháng 3 năm 1963.
1910 - Thời kỳ hoàng kim
Vào năm 1911, khi thời kỳ vàng son của sự thịnh vượng và thanh lịch ở châu Âu đạt đến đỉnh cao, nhiếp ảnh gia người Mỹ Edward Steichen bắt đầu được công chúng biết đến khi thực hiện bộ ảnh chụp các người mẫu nữ trong những thiết kế váy áo lung linh của nhà thiết kế tài ba Paul Poiret.
Trong số đó, 13 bức ảnh đã được in trên tạp chí nghệ thuật tiếng tăm Art et Décoration. Đây được xem là bước ngoặt lớn lao trong lịch sử khi Steichen sau đó nhanh chóng công bố những bức ảnh này với tên gọi “những tác phẩm nhiếp ảnh thời trang đầu tiên trong lịch sử”.
Trước khi khái niệm “nhiếp ảnh thời trang” nghiêm túc xuất hiện, các tạp chí như Le Costume Français và Journal des Dames et des Modes cũng đã từng có những bức hình minh họa cho lĩnh vực này nhưng không nhận được sự ủng hộ lớn lao từ phía người đọc, do còn tồn tại quá nhiều hạn chế.
Và phải chờ tới những năm 1890, khi công nghệ cho phép các bức ảnh có thể được in trong cùng một mặt báo với phần nội dung bằng chữ, thì các tạp chí thời trang mới bắt đầu được đón đọc nhiều hơn.
Lịch sử kể lại rằng: năm 1909, nhà xuất bản Condé Nast đã mua lại một tạp chí xã hội có tên Vogue. Ông nhanh chóng biến nó thành một ấn phẩm thời trang cao cấp với tham vọng chúng sẽ vươn tầm thế giới.
Theo sát ngay sau lần tái xuất của Harper’s Bazaar, Vogue đã ngay lập tức nắm bắt được được tâm hồn thời trang của các kinh đô hoa lệ New York, London và cả Paris - thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh đầy sáng tạo và dàn người mẫu quyến rũ hùng hậu.
Một trong những bức ảnh thời trang đầu tiên chụp bởi nhiếp ảnh gia Edward Steichen
Trang bìa Tạp chí Vogue tháng 6 năm 1909.
1920-1930: Thách thức nhận định
Các phong trào văn hóa của chủ nghĩa siêu thực đã tác động sâu sắc đến hoạt động của các tạp chí thời trang những năm 1920 và 1930. Những bức tranh nghệ thuật của Salvador Dalí và Giorgio de Chirico xuất hiện song song trên tạp chí cùng với những tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Man Ray.
Từ đây, một vài nhiếp ảnh gia thời trang bắt đầu đưa ra những nguyên tắc mang tính “cách mạng”, đó chính là việc cố gắng đưa ra những cảm xúc trực quan nhất cho ngay cả những tâm trí “vô thức”.
Những kỹ thuật mới về việc “đặt cạnh nhau” trong cùng một trang báo phải đảm bảo nguyên tắc nhận thức của con người: người đọc sẽ cùng một lúc được “làm phiền” và được “giải trí”.
Tuy nhiên, có những nhân vật quan trọng lại không đồng tình với thử nghiệm mới. Năm 1938, biên tập viên Edna Woolman Chase của tạp chí Vogue đã chỉ đạo các nhân viên của mình một cách đầy giận dữ:
“Hãy tập trung hoàn toàn vào vẻ đẹp của cái váy đó, giúp nó tỏa sáng và chỉ có một mục đích này thôi. Nếu cái thứ gọi là “nghệ thuật” không thể được dung hòa trong cùng một bức hình thì ném luôn cái thứ nghệ thuật đó đi. Chỉ cần tôn vinh cái váy là được”.
Nhanh chóng, với tư cách là giám đốc nhiếp ảnh của tạp chí Vogue Pháp (sau này là của Harper’s Bazaar), ông Baron George Hoyningen-Huene vẫn đi ngược lại với "lời khuyên bảo" và còn truyền cảm hứng “nghệ thuật” cho cả một thế hệ sau này.
Sự nghiệp của ông đã phản ánh niềm đam mê nghệ thuật gắn liền với ánh sáng, bóng râm và kiểu dáng cổ điển. Cộng sự của ông - Horst P. Horst cũng thể hiện quan điểm tương tự khi cho xuất bản những bức ảnh là sự kết hợp giữa văn hóa siêu thực và cổ điển.
Ảnh quảng cáo cho nước hoa Salut de Schiaparelli năm 1934.
Người mẫu mặc váy voan Chanel trên ấn phẩm Vogue Mỹ năm 1935.
Trang bìa Vogue được vẽ bởi họa sỹ trường phái siêu thực Salvador Dalí năm 1939.
1940 - Hồi sinh sau chiến tranh
Khi mọi thứ đang dần hồi phục sau vết thương nặng nề từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, một nhóm mới các nhà thiết kế thời trang bắt đầu nổi lên. Mong muốn được phô diễn sự quyến rũ và nữ tính sau nhiều năm tháng thời chiến bị kìm nén, cuối cùng cũng bùng nổ cực điểm trong bộ sưu tập New Look của Christian Dior vào năm 1947. Những thiết kế đình đám nhất chính là kiểu váy dài thướt tha với vòng eo thắt chặt đầy nữ tính.
Sau đó, tầm nhìn đúng đắn của nhiếp ảnh gia thời trang Lillian Bassman đã mang lại thành công cho những bộ sưu tập thời trang tiếp theo. Cô đã tiên phong cho xu hướng mới, thay vì tập trung vào nét đẹp là những chi tiết nhỏ nhặt của một món đồ, thì cảm hứng chủ đạo của bức ảnh thời trang lại là cảm xúc con người khi khoác lên mình những váy áo đó.
Tuy nhiên, thành công không phải là một thứ dễ dàng. Cô đã bị biên tập viên Carmel Snow của Harper’s Bazaar cảnh cáo: “Cô được trả tiền không phải để ở đây làm nghệ thuật, mà là chụp cho rõ mấy cái cúc áo và cái nơ ở eo váy đó!”.
Erwin Blumenfeld cũng là một trong những nhân vật được ghi tên trong sổ vàng lịch sử giai đoạn này khi trở thành người đầu tiên sử dụng màu phim Kodachrome khiến những bức ảnh thời trang trên tạp chí trở nên sống động và trung thực hơn.
Bức ảnh “Người mẫu và manơcanh” chụp bởi Erwin Blumenfeld là ảnh bìa tạp chí Vogue Mỹ ra ngày mùng 1 tháng 11 năm 1945.
Một thiết kế đình đám của Christian Dior vào năm 1947.
Bức ảnh đầy chất thơ do nữ nhiếp ảnh gia Lilian Bassman chụp trong thập niên 40.
(Còn tiếp)