Quảng cáo bikini của Luli Fama
Bộ ảnh thời trang mùa áo tắm của hãng Luli Fama tưởng như có được ý tưởng độc đáo khi chọn sa mạc nóng bỏng của Namibia làm nền. Người mẫu Emily Didonato bốc lửa và gợi cảm trong những bộ đồ 2 mảnh mong manh. Bờ cát vàng đằng sau giản đơn, hoang dã… tôn bật lên nét đẹp của người mẫu mặc bikini.
Nhiều người cho rằng, bộ ảnh quảng cáo gợi cảm này cố tình "dìm hàng", bêu xấu những người thổ dân.
Nếu chỉ dừng lại ở đó, đây sẽ là một bộ ảnh đẹp. Nhưng ở một số bức trong bộ ảnh quảng cáo này, nhà nhiếp ảnh Kayt Jones đã nhờ đến một nhân vật thứ 2 làm nền – đó là một người thổ dân với trang phục cũng… kiệm vải không kém gì người mẫu. Tuy có những bức không rõ mặt, có những bức chỉ là hình ảnh mờ xa xăm, nhưng sự xuất hiện của người thổ dân da đen này khiến những người da đen, những tổ chức bảo vệ quyền lợi các bộ tộc và người dân nước Namibia vô cùng tức giận. Họ cho rằng sự nóng bỏng của mẫu trở nên lạc lõng giữa sa mạc, đối lập với cuộc sống giản dị, khó khăn của những người thổ dân. Những ý kiến nặng nề hơn thì khẳng định đây là sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc, phân chia giàu nghèo trong thế giới, cười nhạo vào sự hồn nhiên của hồn hậu của những người thổ dân. Hãng thời trang Luli Fama đã phải mất rất nhiều thời gian để giải thích để cộng đồng quên đi sự cố này.
Quảng cáo bikini của SI
Bộ ảnh quảng cáo bikini mới nhất được đăng tải trên tạp chí SI đã gặp phải sự phản đối dữ dội của người xem, khi thực hiện những khuôn hình mà ở đó, những cô người mẫu bikini tự do thả dáng bên cạnh hình ảnh đậm nét văn hóa truyền thống của Trung Quốc.
Khó có thể chấp nhận hình ảnh những người mẫu lả lơi trước những nơi đậm nét văn hóa, thanh tịnh như thế này.
Bộ ảnh được lấy bối cảnh tại thành phố Quế Lâm, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Những người đẹp bốc lửa trong những bộ đồ 2 mảnh nhỏ xíu, với những tư thế vô cùng gợi cảm, đứng trước miếu mạo, đền chùa, trước những biểu trưng cho nền văn hóa của đất nước hơn 1 tỷ dân này. Ngay sau khi ra mắt, người xem, đặc biệt là người dân Trung Quốc đã lên tiếng phản đối bộ ảnh này, cho rằng nó không chỉ xâm phạm nét thuần phong, văn hóa của Trung Quốc, mà còn thể hiện rõ sự kỳ thị chủng tộc, màu da và phân biệt giàu nghèo.
Người mẫu áo tắm đứng tạo dáng trước cảnh chùa ở thành phố Quế Lâm.
Quảng cáo áo thun của JC Penney
JC Penney là hãng thời trang ứng dụng được yêu thích tại Mỹ, với hàng nghìn cửa hàng ở khắp nơi trên nước Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, vào năm 2011, JC Penney đã tung ra sản phẩm dành cho các cô nàng tuổi teen – áo thun dài tay dành cho mùa thu. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu chiếc áo này không in dòng chữ: “I’m too pretty to do homework so my brother has to do it for me” (Tôi quá xinh đẹp để phải làm bài tập về nhà, và do đó, anh trai sẽ phải làm hộ tôi). Các cô bé ở độ tuổi teen mê mẩm thiết kế này, nhưng những bậc phụ huynh thì phản đối mạnh mẽ. Họ lên án hãng JC Penney và cho rằng hãng này vô trách nhiệm đối với nền giáo dục nước nhà và với người tiêu dùng. Nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề, hãng JC Penny đã xin lỗi khách hàng và chiếc áo này lập tức bị thu hồi khỏi các cửa hàng của hãng.
Không phụ huynh nào muốn con cái mặc chiếc áo hô khẩu hiệu không cần làm bài tập về nhà.
Ảnh quảng cáo của Donna Karan và Michael Kors
Hai hãng thời trang Donna Karan cùng Michael Kors đều vấp phải sự phản đối dữ dội, thậm chí, sản phẩm của họ còn bị kêu gọi tẩy chay khi những mẫu quảng cáo tung ra vào mùa xuân 2012 bị cho là có sự ám chỉ phân biệt chủng tộc. Trong những bức hình quảng cáo, hai hãng này đều sử dụng những người mẫu da trắng trong những trang phục sành điệu và dùng hình ảnh một người da đen ở sau để làm nền.
Những hình ảnh quảng cáo sử dụng hình người da đen làm nền bị phản đối.
Những người hoạt động trong các tổ chức chống phân biệt chủng tộc lên tiếng: “Đây không phải là lần đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng nền công nghiệp thời trang cho ra đời những bức ảnh phân biệt màu da, chủng tộc, kỳ thị các quốc gia và những người nghèo đói”.
Thời trang thịt sống của Lady Gaga
Không độc, không lạ thì không phải là Lady Gaga. Tuy nhiên, trong số các trang phục mà cô ca sĩ lập dị này đã lựa chọn, bộ đồ thịt sống gây tranh cãi hơn cả. Không chỉ cư dân mạng, mà nhiều tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xóa đói giảm nghèo và những người hoạt động để bảo vệ động vật đều lên tiếng chỉ trích, với những lời nhận xét như đây không chỉ là bộ trang phục phản cảm, mà còn mang tính kỳ thị cao, không nghĩ đến cảm nhận của những người còn đói kém, những đứa trẻ còn thiếu thịt hàng ngày, và xúc phạm tới đạo Hồi (tín ngưỡng coi bò là vật linh thiêng)… Bên cạnh những ý kiến đó, cũng không ít người ca ngợi sự sáng tạo không giới hạn của Lady Gaga cùng các stylist của cô.
Lady Gaga gây tranh cãi với trang phục thời trang thịt sống.
Triệu Vy và trang phục lá cờ nước Nhật
Diện một trang phục không phù hợp, để dẫn đến cả hãng thời trang và người mẫu thể hiện đều bị tẩy chay, đây là một trong những sai lầm để đời của Triệu Vy.
Triệu Vy từng bị tẩy chay khi khoác lên mình chiếc áo có hình cờ phát xít Nhật.
Vào năm 2001, khi đang nổi tiếng với 2 phần phim Hoàn Châu cách cách, Triệu Vy nhận làm người mẫu ảnh thể hiện một số trang phục và không may, cô đã khoác lên mình trang phục lá cờ của phát xít Nhật. Chỉ đến khi những bức hình được đăng tải một cách rộng rãi, Triệu Vy mới biết được sai lầm trầm trọng này. Cô bị cho là thiếu kiến thức về lịch sử, không yêu đất nước, thậm chí, còn bị quy kết là… phản động. Những điều này khiến sự nghiệp của “én nhỏ” tụt dốc trong một thời gian dài.