Cụ bà Nguyễn Minh Tuyết năm nay tròn 85 tuổi. Bước chân bà chậm rãi, tấm lưng còng mệt mỏi vì bao nỗi truân chuyên nhưng trên gương mặt phúc hậu vẫn còn nguyên nét đẹp của cô gái Hà thành xưa. Tôi tìm gặp bà một sớm ngày cuối năm, khi tán bàng trước ngõ đang ủ mình giữa làn sương giăng mờ nhân ảnh.
Lật giờ từng tấm ảnh cũ, đôi bàn tay gày sạm của bà khẽ run rẩy, giọng nói trầm ấm nhỏ nhẹ chỉ đủ hai người nghe không giấu diếm nét bồi hồi xúc động: "Lâu lắm rồi, đời người là mấy chốc".
Bà Tuyết vốn là con gái út trong gia đình nghèo ở làng Canh, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nhà đông anh chị em, cái đói khổ bần hàn bám riết lấy niêu khoai, manh áo nên năm bà tròn 15 tuổi, cụ thân sinh gửi bà làm con nuôi cho gia đình khá giả trên phố Hoàng Hoa Thám. "Gia đình cụ nuôi tôi tốt lắm, đức độ lắm, 12 năm ở với nhà cụ, chưa bao giờ tôi nghe một lời nhiếc móc. Cụ ông tên Đôi, đi làm xa về lúc nào cũng mua quà bánh, cụ bà tên Tuyết Nhu hiền hậu". Lời bà Tuyết đều đều, mắt bà nhìn xuống tay, tay bà lật giở từng trang ảnh trong cuốn album bọc vải nâu đã bạc màu, sờn rách. Tôi nghe được trong ấy đôi ba thanh âm trong trẻo, vừa như mừng vui, vừa như xúc động. Có lẽ quãng thời gian sống cùng cha mẹ nuôi là những tháng năm lưu giữ nhiều ký ức đẹp của bà.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, ảnh chụp năm 1958. Khi ấy bà đã lấy chồng và có 3 người con.
Hình ảnh bà Tuyết năm 2008. Hiện bà đang sống cùng gia đình cô con gái thứ 2.
"Bà ơi, xa nhà đẻ, bà nhớ nhiều không?"
"Nhiều chứ. Ai chẳng muốn ở với bố mẹ, chị em nhà mình".
"Bà nhớ gì nhất".
"Chả biết, gì cũng nhớ".
"Nhà đông người lại nghèo, bà có áo mới diện tết không?"
"Nghèo lắm, chị em tôi ngày tết có manh áo nâu mới thì vui sướng không gì bằng. Áo phải ngâm bùn rồi giặt nước ao để đỡ chóng sờn, vì vải mỏng mà cô". Bà Tuyết vừa nói, vừa khẽ xoa tay vào tấm áo len đang mặc, mắt bà chợt sáng, tưởng như quá khứ xa xăm hơn 70 năm qua chợt hiện về. Trong lời kể của bà, tôi tìm thấy vị hân hoan, nét bồi hồi xen lẫn niềm khắc khoải một quãng đời đã trôi dạt về bến xa xôi.
"Bà ơi, thời thiếu nữ sống ở nhà cụ Đôi trên phố Hoàng Hoa Thám, ngày tết bà có mặc áo dài du xuân không bà"?
"Ngày ấy... à,... để xem.. có tôi có. Nhà nuôi tôi có 5 con trai, các cậu em và bố nuôi mặc bộ cánh Tây, còn tôi và mẹ mặc áo dài hoa nâu. Mùng một tôi ở nhà trông em, đón khách để bố mẹ nuôi đi chúc tết họ hàng. Ngày mùng hai, tôi và mẹ nuôi mặc áo dài đi chùa, đi chơi xuân trên phố hàng Ngang, hàng Đào. Cứ thong thả đi bộ, một chốc một đoạn lại gặp các cô quen, cùng đi với nhau vui lắm. Tết vui nhưng cũng thanh bình, không nhiều xe cộ như bây giờ cô ạ".
"Cụ Tuyết Nhu may áo cho bà?"
"Không, là cụ bà Tuyết Nhu nhờ bạn thân may cho. Vải thì cụ ông mang về, một năm mấy mét ấy, tôi chẳng nhớ rõ. Chỉ mang máng vải may rất đẹp, tôi nâng niu cất giữ, cả năm chỉ có ngày tết mặc áo dài thôi. Hết mùng 5 là hết tết".
"Phụ nữ Hà thành khi ấy ai ai cũng diện áo dài ngày tết bà nhỉ?"
"À... để tôi nhớ. Cũng không phải mấy người cô ạ. Nhà nào nghèo thì chị em chỉ mặc áo cánh nâu mới, nhà khá giả hơn thì có manh áo lụa, áo dài. Thời nào cũng thế hết nhỉ, giàu nghèo lẫn lộn".
Nói đoạn, bà đưa tôi xem mấy bức ảnh nhỏ xíu bằng con tem còn lưu giữ được. Ảnh đen trắng chụp từ những năm bà mới 16, 17 sống trên phố Hoàng Hoa Thám và thời kỳ cả gia đình di tản vào Nghệ An. Trong ảnh, tôi bắt gặp cô gái có gương mặt sáng, ánh mắt hiền hòa ấm áp. Cô gái xiên mái tóc dài đúng kiểu thiếu nữ Hà thành xưa, tấm áo dài được may khéo tôn lên vẻ đẹp mộc mạc trong sáng.
Bà Tuyết (áo dài đen, phía ngoài bên phải) năm 17 tuổi, chụp ảnh ngày tết cùng mẹ nuôi và các em.
Bà Tuyết (áo dài đen) cùng gia đình bố mẹ nuôi.
"Tết những năm sau giải phóng, rồi thời kỳ đổi mới, bà còn mặc áo dài ngày tết không ạ?"
"Lấy đâu ra. Miếng ăn còn chẳng đủ cô ạ. Ngày tết chúng tôi cố dành dụm sắm cho con cho cái manh áo mới là mừng lắm rồi, bản thân mình thì áo bà ba cũ năm nảo năm nào cứ thế mà mặc thôi. Thời ấy, các cô tân thời, tiểu thư nhà giàu thì mặc đẹp, nào váy, nào áo dài đủ cả. Các cô còn để tóc phi giê điệu đà lắm..."
Lời nói chưa kịp dứt, bà Tuyết vội lấy tay vuốt nhẹ lên cổ vì cơn ho khan dồn dập chợt ghé thăm. Năm ba phút sau, chừng nguôi giọng bà mới tiếp: "Tôi lấy chồng, sinh con đẻ cái, năm này qua năm khác... giờ thành bà lão như thế này. Cụ thân sinh và cụ nuôi tôi đều đã khuất núi từ lâu. Nhưng cái tình, cái tâm tôi chẳng lúc nào quên những ân tình sâu nặng. Tôi già rồi, tôi... cũng chẳng biết còn bao nhiêu cái tết nữa...". Mắt bà hoe đỏ, lời nói vốn nhỏ nhẹ nay lại yếu ớt hơn trong tiếc nấc nghẹn ngào. Tôi nắm tay bà... bàn tay sạm đen gày guộc, bàn tay ấm như tấm lòng bà...
Câu chuyện của chúng tôi còn dài, dài lắm. Bà kể tôi nghe chuyện gia đình, chuyện chồng con và những biến cố trong đời. Tôi ngồi tựa mình vào thành ghế, lắng nghe chậm rãi và say sưa. Tất cả lo toan vồn vã đã nằm bên ngoài ô cửa. Trong không gian dịu thơm mùi nắng chỉ có 2 con người, một già - một trẻ đối diện với nhau. Thoáng chốc, tôi giật mình như tiếng ai từ xa xăm vọng lại "Đời người, được là mấy chốc?!!"