Paris - kinh đô thời trang thế giới - luôn khiến những người yêu cái đẹp muốn đặt chân đến, nhất là vào các mùa Paris Fashion Week. Những năm gần đây, số lượng người Việt tham gia sân chơi này ngày càng tăng. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực thời trang như người mẫu, nghệ sĩ, biên tập viên, stylist, doanh nhân...
Paris Fashion Week được xem như một "đại tiệc thời trang đường phố" quy tụ tín đồ từ khắp nơi đổ về. Từng tham gia Tuần thời trang New York, Hà Mi - làm việc cho tạp chí L'Officiel - háo hức: "Tôi ấn tượng với Tuần thời trang Paris hơn vì nơi đây thật sự là một bức tranh đa sắc về phong cách. Các thương hiệu tổ chức show ở địa điểm khác nhau, nên bạn sẽ có cảm giác cả thành phố đều chạy theo Paris Fashion Week. Paris cũng lãng mạn hơn New York và con người ăn mặc chất hơn".
Tại đây, nghệ sĩ Việt chi rất mạnh để có phần hình ảnh hoàn hảo. Lý Nhã Kỳ từng gây ấn tượng cho khán giả với màn "lột xác" trong các lần đi xem show. Nhờ những bộ cánh lộng lẫy từ các nhà mốt như Chanel, Georges Hobeika, Alexis Mabille, Dior... trị giá vài trăm triệu đồng, người đẹp được "thăng hạng" đáng kể về phần nhìn. Là người kinh doanh hàng hiệu, mẹ chồng Tăng Thanh Hà - diễn viên Thủy Tiên cũng đầu tư không kém khi xuất hiện cùng con gái trong những bộ cánh cầu kỳ tại Paris năm ngoái.
Trang phục đi xem show của tín đồ thời trang Việt Trâm Ruco hướng đến sự tinh tế và thoải mái. |
Trung bình một ngày có 10 show diễn, khách mời có thể chạy tối đa 3-4 show. Điều đó đồng nghĩa với việc số lượng trang phục cần chuẩn bị cho cả tuần là khoảng 12-15 bộ. Các tín đồ thời trang Việt thường ưu tiên chọn các thiết kế trong nước để đọ dáng cùng fashionis quốc tế. Chị Lưu Nga - chủ một thương hiệu thời trang trong nước - chia sẻ: "Tôi chỉ sử dụng hàng hiệu cho phụ kiện, còn toàn bộ trang phục đều là 'của nhà trồng được'. Khi gặp đối tác Pháp, họ nhìn kỹ chất liệu vải, phom dáng và ngạc nhiên khi biết đó là hàng Việt Nam". Theo chị Nga, đây là một cách đơn giản để quảng bá thời trang nước nhà ra thế giới, dù ngành công nghiệp thời trang Việt vẫn còn là một mảnh đất sơ khai.
Tương tự, tất cả đồ của doanh nhân Trâm Nguyễn đều được thiết kế riêng bởi Tùng Vũ, Chung Thanh Phong, Lê Thanh Hoà, Kim Khanh... kết hợp phụ kiện hàng hiệu. Trung bình, mỗi bộ cánh của nhà thiết kế Việt có giá khoảng 10-20 triệu đồng, kết hợp giày và túi hiệu khoảng 50-200 triệu đồng. Ngoài ra, nếu làm tóc và make-up tại Pháp, phí dịch vụ khoảng 100-150 USD mỗi lần tương đương 2,5-3,5 triệu đồng.
Hà Mi cho biết cô không có quá nhiều tiền để sắm hàng hiệu nhưng nhận được sự hỗ trợ từ nhà thiết kế Võ Công Khanh, Nguyễn Hoàng Tú, Phi Phạm... "Điều làm tôi gần như mất ngủ là sau show Kenzo, người đàn bà quyền lực Suzy Menkes (BTV thời trang của Vogue) - tình cờ đi ngang và gửi lời khen nho nhỏ cho bộ trang phục của Võ Công Khanh mà tôi mặc. Tôi cũng tự hào khi có nhiều người xin chụp ảnh và hỏi trang phục mình thuộc thương hiệu gì".
Để gây ấn tượng với bạn bè quốc tế về tinh thần Đông Phương, stylist Travis, blogger Thythu - Miu đầu tư trang phục gấm, áo dài họa tiết Việt Nam của nhà thiết kế Thủy Nguyễn... Họ đem khoảng 80-100 kg trang phục và phụ kiện để phối đồ.
Nhiều người còn đưa nhiếp ảnh từ Việt Nam bên cạnh stylist và make-up riêng để tỏa sáng tại Paris. Trâm Nguyễn tính sơ: "Chi phí vé máy bay, quần áo, đi lại, ăn ở... cho một ê-kíp năm người đi chung cũng lên đến con số tiền tỷ. Nhưng tôi xác định đến đây là để học hỏi và thỏa mãn đam mê thời trang". Hà Mi chia sẻ: "Muốn tiết kiệm, bạn có thể săn vé máy bay giá rẻ với giá khoảng 15 triệu đồng. Chi phí trọn gói tối thiểu cho một tuần với điều kiện không mua sắm là khoảng 40 triệu đồng, không quá đắt để có những trải nghiệm đẹp. Bạn cũng có thể rủ một người bạn đi cùng để chụp ảnh cho nhau". Tại Paris Fashion Week năm ngoái, Hà Mi đi cùng nhiếp ảnh đường phố Chanh Nguyễn.
Cảm hứng Việt Nam tại Paris với trang phục Thủy Nguyễn. |
Bên cạnh váy áo, các tín đồ thời trang cũng có nhiều câu chuyện thú vị khi tham gia tuần thời trang Paris.
Quy chuẩn trong việc tổ chức show hay chuyện ăn mặc khi dự show mang đến cho các tín đồ Việt những kinh nghiệm quý. "Tôi cảm nhận những xu hướng từ tín đồ châu Âu, Á, Mỹ, các bộ cánh sáng tạo, kỹ năng phối màu hút mắt. Không chỉ trên sàn diễn, những người bạn tôi gặp trên phố cũng giúp tôi cập nhật bí quyết phối đồ. Người Paris cũng rất xem trọng gu, họ mặc sành điệu, ý thức thời trang cao. Những thông tin về show diễn họ đều nắm bắt và tận tình chỉ dẫn, trò chuyện cùng khách quốc tế. Tôi thấy mình có thêm nhiều động lực để làm đẹp cho bản thân và những người xung quanh", Trâm Nguyễn nói. Chị Lưu Nga cũng nhìn nhận: "Đi tuần thời trang để ngắm nghía và thay cho mình những bộ đồ mới. Nhưng nếu thay được tư duy cũ về thời trang, chẳng hạn từ bỏ việc mặc đồ nhái, thì có ý nghĩa hơn nhiều".
Tham gia tuần thời trang là điều ai cũng làm được nếu có đủ tài chính, nhưng để có một tấm vé vào xem các show lớn thì không hẳn dễ. Hà Mi cho biết nhờ mối quan hệ, cô có thể vào xem được một số show. Còn Lưu Nga nhờ đối tác ở Pháp tìm vé giúp từ trước vài tháng để dự được 10 show. Riêng với vai trò khách hàng của vài thương hiệu lớn, Lý Nhã Kỳ từng chia sẻ mình hầu như mất ngủ vì đi show liên tục, dủ chỉ chọn lọc những nhà mốt lớn. Việc chạy đua với thời gian để kịp thay đổi trang phục, làm tóc và di chuyển khiến khách mời đến đây khó lòng "cưỡi ngựa xem hoa" như tưởng tượng của nhiều người.
Nhìn chung, các thương hiệu có bộ sưu tập ra mắt tại tuần Paris đều trình diễn trên sân khấu tối giản với âm thanh, ánh sáng đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, chỉ có những thương hiệu lớn như LV, Dior hay Chanel mới khiến khán giả săn lùng vé. Một tín đồ thời trang Việt bật mí: "Các nhà mốt danh tiếng chỉ ưu tiên cho biên tập viên từ các tạp chí hàng đầu, hot blogger, fashionista nổi tiếng hay khách hàng lớn... Ngược lại, với thương hiệu nhỏ, chỉ cần gửi email ngỏ ý muốn xem là được".
Chị Lưu Nga (giữa) có dịp làm việc với một số thương hiệu Pháp sau khi xem show. |
Với những show diễn của thương hiệu lớn, có một "luật bất thành văn" là khách mời xem show nào thì diện trang phục của nhà mốt ấy. Sự thật là những nhân vật quyền lực được mời tới show mặc rất giản dị, tinh tế để thuận tiện làm việc. Họ thường là biên tập viên đi xem show để viết bài hoặc khách mua sỉ. Phần lớn người mặc cầu kỳ, hoành tráng chỉ đến điểm diễn ra show để tạo dáng cho giới săn ảnh rồi... đi về vì không có vé vào. "Nhưng tới tuần thời trang thì cơ hội lên báo cao, chỉ cần mặc cầu kỳ hoặc quái dị một chút là được paparazzi săn đón", Hà Mi đúc kết.
Anh Danh Quý - làm việc tại tạp chí Elle Việt Nam - bày tỏ sự ngưỡng mộ với sự vận hành chuyên nghiệp của ngành công nghiệp thời trang Pháp mỗi mùa. "Các show diễn giờ chỉ còn mang tính truyền thông, tô vẽ cho thương hiệu và làm đẹp lòng khách VIP với những băng ghế đầu. Quan trọng nhất là các buổi review bộ sưu tập tại showroom ngay sau đó. Chỉ khách hàng lớn hoặc những biên tập viên thời trang danh tiếng mới được vào đây. Thương trường khốc liệt bắt đầu ngay sau giấc mơ thời trang có vẻ phù phiếm, mơ mộng", anh bày tỏ.
Paris trong những ngày diễn ra tuần thời trang là dịp kích cầu du lịch lẫn kinh tế cho nước Pháp với sự "đổ bộ" của tín đồ thời trang châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam... Các nhà hàng, cửa hàng hiệu, khách sạn... luôn chật ních khách châu Á. Tất cả chuyển động theo thị trường và cái đẹp. Ngành công nghiệp thời trang Pháp hoạt động như một nghệ sĩ, toả sáng nhờ cái chất và sự tôi luyện qua năm tháng để trở thành tượng đài trong lòng người hâm mộ.
"Tôi hiểu rằng kinh doanh thời trang tuyệt đối không phải là mua bán quần áo mà là tạo nên nên những giá trị cho quần áo mình bán. Giá trị càng lớn, lợi nhuận càng cao. Ngoài ra, các thương hiệu Pháp cũng liên kết rất chặt, có Hiệp hội quản lý chung để tạo thành một kết cấu bền vững. Điều này, đáng buồn là các thương hiệu Việt chưa làm được", chị Lưu Nga trăn trở khi nhìn lại thời trang trong nước. Theo chị Nga, những người kinh doanh thời trang Việt như chị sẽ có rất nhiều thứ để làm khi trở về từ Paris Fashion Week.
Vân An