Dự báo kinh tế chẳng bao giờ là một công việc dễ dàng. Bạn đoán trúng, bạn sẽ được tán dương và nhiều khả năng kiếm về bộn tiền. Còn nếu sai? Rất có thể dự báo “thảm họa” của bạn sẽ được lưu truyền mãi như một trò hề cho hậu thế.
1. Ezra Vogel và "Nhật Bản là Số một"
Trong cuốn sách xuất bản năm 1979 của mình với tựa "Nhật Bản - Cường quốc số một: Những bài học cho Hoa Kỳ", Giáo sư Ezra Vogel - giảng viên ngành khoa học xã hội của ĐH Harvard – đã đưa ra những luận điểm chứng minh rằng nhiều khả năng Nhật Bản sẽ nhanh chóng vượt mặt Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dù khá phổ biến ở thời điểm đó song rõ ràng rằng tới nay, quan điểm này thật hết sức …buồn cười.
2. Irving Fisher và "ổn định vĩnh viễn"
Là một trong những nhà kinh tế học Hoa Kỳ vĩ đại nhất mọi thời đại, song không phải Irving Fisher chưa từng "nói hớ". Cụ thể, vào tháng 10 năm 1929, ông khẳng định thị trường vốn đã "vĩnh viễn tiến vào giai đoạn ổn định ở mức cao".
Hai tuần sau, chứng khoán lao dốc và không thể quay lại mức "cao" đó trong suốt 25 năm.
3. Abby Cohen dẫm lên vết xe đổ của ngài Fisher
Tháng 12 năm 2007, trưởng nhóm đầu tư chiến lược của Goldman Sachs, bà Abby Joseph Cohen lại đưa ra một dự báo hùng hồn tương tự Ngài Irving Fisher 80 năm về trước: S&P 500 có thể đạt mức 1.675 điểm vào cuối năm 2008, tăng vọt đến 14%. Kết quả là con số này dừng dưới mức 900 điểm.
4. Paul Samuelson, phát ngôn "bạo" của người Mỹ đầu tiên đạt Nobel Kinh tế
Là nhà kinh tế học tên tuổi của nước Mỹ, nhưng vào năm 1961, Paul Samuelson lại hùng hồn khẳng định: "Kinh tế Xô-viết là minh chứng rõ nét rằng một nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có thể vận hành hiệu quả và vươn lên mạnh mẽ, mặc cho những tư tưởng hoài nghi."
5. Richard Brandson và dự đoán bi quan về tình hình dầu mỏNăm 2010, "ông trùm" Richard Branson đưa ra lời cảnh báo: "Năm năm nữa, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng giá dầu", với khả năng dầu trở nên khan hiếm trầm trọng.Năm nay, giá dầu còn thấp hơn thời điểm đó.
6. James Glassman và Kevin Hassett – Dow Jones tăng điểm gấp 3
Trong cuốn sách "Dow 36.000" xuất bản năm 1999, hai nhà kinh tế học đã tự tin cho rằng chỉ số Dow Jones sẽ tăng điểm gấp 3 lần trong năm kế tiếp. Nhưng thực tế là cho đến bây giờ, điểm Dow Jones mới chỉ đi được nửa chặng đường của con số 36.000 mơ ước.
7. Alan Greenspan và sự cần thiết của lãi suất "khủng"
Cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cảnh báo trong cuốn sách "Thời khủng hoảng" xuất bản năm 2007 của mình, rằng có thể thế giới cần áp lãi suất ở mức hai con số để kiểm soát lạm phát trong tương lai gần.
8. Joan Robinson, và niềm tin "Bắc Triều" cường thịnh
Một trong những nhà kinh tế theo trường phái Keynes nổi bật nhất của thế kỷ 20, Joan Robinson, từng có dịp được đi thăm hai miền Triều Tiên năm 1964. Bà mạnh dạn tuyên bố: "Bắc Triều Tiên ngày càng cường thịnh còn Nam Triều Tiên (Hàn Quốc ngày nay) ngày càng suy thoái, rồi thì ta sẽ sớm thấy những lời dối trá bị bóc mẽ thế nào", với niềm tin rằng "chắc chắn, hai miền Triều Tiên sẽ được thu về một mối dưới ngọn cờ chủ nghĩa xã hội". Có lẽ, rất ít người trên thế giới (ngoài nhân dân Bắc Triều) còn giữ một niềm tin trong sáng đến thế!
Ngày nay, "Nam Triều Tiên" – Hàn Quốc – đã tự lực vươn lên trở thành một quốc gia giàu mạnh xứng tầm, trong khi nền kinh tế Bắc Hàn vẫn quẩn quanh và ngày càng đi xuống.
Kinh tế học Keynes nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái, sản lượng kinh tế bị tác động mạnh bởi tổng cầu (tức là tổng mức tiêu thụ của toàn nền kinh tế).
9. Joseph Cassano tự tin thái quá
Tháng 8 năm 2007, Joseph Cassano, Giám đốc bộ phận phát triển sản phẩm tài chính của hãng bảo hiểm AIG từng "vỗ ngực": "AIG không thể mất một dola nào từ các giao dịch của mình." Sang năm 2008, hãng này buộc phải kêu gọi cứu trợ khẩn cấp!
Cựu Giám đốc khối sản phẩm tài chính của AIG giải trình trước Uỷ ban giải quyết khủng hoàng tài chính (FCIC) tại Washington, ngày 30 tháng 06 năm 2010.
10. Ravi Batra và năm 1990 thảm họa
Giáo sư Ravi Batra từng viết cuốn "Đại khủng hoảng năm 1990" dự đoán cơn suy thoái khủng khiếp mà thế giới sẽ phải đối mặt trong năm này. Cuốn sách nhanh chóng trở thành bestseller của năm 1987.
Giờ đây, người ta phần nhiều nhớ về 1990 như là năm khởi đầu cho một giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ diễn ra trên toàn thế giới.
11. George Soros và câu chuyện lạm phát Trung Quốc
Nhà đầu tư kỳ cựu hàng đầu thế giới đã từng nói lạm phát tại Trung Quốc sẽ "vượt ngoài tầm kiểm soát" vào năm 2011, đi kèm những hệ lụy đáng quan ngại. Bốn năm sau đó, giảm phát mới chính là vấn đề gây đau đầu cho nền kinh tế nước này.
Ngài Georges Soros, Chủ tịch quỹ Soros Fund Management, diễn thuyết trong phiên thảo luận "Phục hồi châu Âu" tại Davos, Thụy Sỹ, ngày 23 tháng 01 năm 2015.
12. David Lereah dạy cách buôn đất làm giàu
Cựu Kinh tế trưởng của Hiệp hội các nhà môi giới nhà đất Mỹ, David Lereah, đã từng cho ra mắt cuốn sách của mình, với tựa đề (tạm dịch): "Thị trường nhà đất phát triển bền vững - nên làm gì để tận dụng điều này" vào đầu năm 2006. Rõ ràng, cuốn sách chỉ bán được vài bản.
Ông này cũng được tờ Thời báo uy tín của nước Mỹ "vinh danh" trong danh sách 25 người góp phần làm nên Khủng hoảng tài chính năm 2008.