Nếu như chiếc điện thoại Pantech Vega LTE-A đặt nút nguồn ở mặt sau máy thì LG thậm chí còn táo bạo hơn khi bố trí toàn bộ cụm phím cứng gồm cả nút nguồn và 2 phím âm lượng ngay dưới camera sau của G2. Đây được cho là cách thiết kế khá “dị” mà chúng ta rất ít được thấy trước đây nhưng LG đã nghĩ khác và cũng làm khác.
Những mẫu điện thoại thông minh thế hệ đầu tiên có màn hình khá nhỏ, do đó mặc dù có viền màn hình lớn nhưng kích thước chiều rộng của chúng chỉ khoảng 2,4 inch. Tuy nhiên, thế hệ smartphone ngày nay đã có sự tăng tiến nhanh chóng về độ lớn màn hình, kích thước chiều rộng vì thế cũng tăng theo lên khoảng 2,7 inch và đối với G2 là 2,79 inch (70,9 mm).
Chính vì thế, việc phải sử dụng các nút cứng như chỉnh âm lượng hay tắt màn hình máy thường đòi hỏi người dùng phải căng tay khá vất vả, thậm chí khá khó khăn nếu phải dùng máy bằng 1 tay. Theo LG, giải pháp đặt các nút này ở mặt sau máy khiến mọi việc trở nên rất dễ dàng, và cho dù kích thước điện thoại có bị đẩy lớn hơn nhiều đi chăng nữa thì người dùng vẫn làm chủ được chiếc máy của mình.
Lý do thứ 2 mà LG đưa ra xuất phát từ việc nút chụp ảnh có thể được tích hợp trực tiếp vào phím cứng ở mặt sau. Do đó, người dùng có thể chụp ảnh “tự sướng” bằng camera trước hoặc chụp từ camera sau với thao tác nhấn nút đơn giản mà máy vẫn nằm chắc chắn trong lòng bàn tay.
Nguyên nhân thứ 3 được nêu lên là giúp mang đến cảm giác tiện dụng cho người dùng khi đàm thoại. Thông thường, khi đặt máy trên tai để đàm thoại, người dùng sẽ có xu hướng đặt ngón trỏ tay ở vị trí gần giữa máy, trong trường hợp LG G2 là ngay chỗ camera sau. Do đó, việc bố trí các nút cứng có thể giúp bạn điều chỉnh âm lượng nhanh ngay khi đang nghe máy.
Lý do cuối cùng là việc không sở hữu các nút bấm ở 2 cạnh bên giúp nhà sản xuất không tốn thêm không gian ở cạnh bên để đặt các bảng mạch dành cho nút cứng. Các bảng mạch này thay vào đó sẽ được chuyển ra mặt sau do đó viền màn hình 2 bên của G2 dễ dàng đạt được độ mỏng lý tưởng là 2,65 mm.
Có thể bạn quan tâm: