Khi Apple giới thiệu iCloud vào năm 2011, thứ mà con người nghĩ tới chính là sự tiện lợi, an toàn hơn ở các sản phẩm. Nếu như người dùng không may mất máy, tính năng tìm lại thiết bị sẽ giúp người dùng theo dõi vị trí thiết bị của mình. Nếu như người dùng có ý định nâng cấp, khả năng back up thông qua điện toán đám mây sẽ giúp họ sở hữu lại những thông tin từng có. Thế nhưng, mọi tiện lợi luôn có mặt trái đáng lo ngại.
Hàng loạt hội thảo bảo mật liên quan tới iCloud cũng như những dịch vụ lưu trữ trực tuyến được tổ chức. Cán cân bảo mật, tiện ích luôn được xem xét đặt lên hàng đầu. Sẽ là vô nghĩa khi một dịch vụ tiện lợi đến mấy nhưng không có khả năng bảo vệ người dùng, iCloud cũng vậy. Dưới đây là 5 mối nguy với người dùng khi sử dụng iCloud.
1. Bị khóa thiết bị từ xa
Cuối tháng 5 năm nay, hàng loạt thiết bị iPhone, ipad ở Úc cũng như New Zealand bất ngờ bị hacker tấn công. Hacker sử dụng tính năng Activation Lock được giới thiệu trên iOS 7 để khóa những thiết bị nạn nhân. Ngoài ra, thông điệp gửi 100 USD để mở khóa thiết bị cũng được hacker gửi gắm tới từng người dùng.
Cuối tháng 5, rất nhiều thiết bị Apple bị hacker tấn công và khóa từ xa.
Chính Apple cũng "bó tay" với vụ tấn công này khi không thể đưa ra giải pháp hoàn hảo nhất cho người sử dụng. Tình trạng những chiếc iPhone, iPad "đắp chiếu" vì Activation Lock cũng ngày một gia tăng khi mà lượng máy cũ từ nước ngoài, máy bị đánh cắp được bán ra thị trường nhiều hơn.
Giải pháp:
Tắt bỏ tính năng Find My iphone để tránh tình trạng khóa máy diễn ra.
Để hạn chế tình trạng này diễn ra, người dùng có thể đơn giản tắt bỏ tính năng Find My iPhone trên thiết bị, trước khi mua máy cũ cần yêu cầu người dùng gỡ bỏ tài khoản iCloud. Tất nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với hi vọng tìm lại máy bằng không khi thiết bị biến mất.
2. Bị theo dõi thông qua tính năng định vị, tìm bạn
iCloud của Apple cho phép người dùng theo dõi địa điểm thiết bị của mình.
Nhiều trường hợp "dở khóc dở cười" khi vợ sử dụng ứng dụng Find My Friends trên iPhone và phát hiện chồng mình ngoại tình. Thế nhưng, đó lại là những trường hợp "nhẹ" nhất có thể. Hãy tưởng tượng, kẻ xấu có ý định hãm hại người dùng, thứ mà chúng cần chỉ là tài khoản iCloud cùng một chiếc máy tính. Vị trí của người dùng có thể nhanh chóng bị theo dõi và chẳng ai có thể nói trước những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Giải pháp:
Truy cập vào Settings - Privacy - Location Services và tắt bỏ tính năng này.
Tắt bỏ tính năng theo dõi địa điểm (Location Services) để tránh bị theo dõi, thường xuyên thay đổi mật khẩu iCloud, kiểm tra các ứng dụng yêu cầu sử dụng tính năng định vị trong thiết bị để tránh cài đặt phần mềm theo dõi ẩn.
3. Hình ảnh nhạy cảm bị rò rỉ
Tính năng Photo Stream cho phép người dùng đồng bộ hình ảnh giữa các thiết bị của Apple.
Đây là vấn đề thường xuyên gặp phải ở những thiết bị điện thoại thông minh. Mới đây nhất, hacker đã tấn công được vào hệ thống iCloud sau đó đánh cắp hàng loạt hình ảnh nhạy cảm của người dùng và chia sẻ trên mạng. Thêm vào đó, một số hình ảnh còn đi kèm địa chỉ chụp ảnh, có thể ảnh hưởng tới người dùng.
Giải pháp:
Truy cập vào Settings - Photos & Camera và tắt bỏ tính năng Photo Stream.
Tắt bỏ tính năng lưu trữ ảnh giữa các thiết bị (Photo Stream) trong Settings - Photos & Camera đồng thời để an toàn hơn, tắt bỏ tính năng lưu trữ ảnh trong back up ở iCloud - Photos.
4. Bị đánh cắp tin nhắn iMessage
Tin nhắn iMessage của Apple rất tiện lợi.
Là tính năng giúp những người sử dụng sản phẩm Apple nhắn tin miễn phí thông qua kết nối Wi-Fi, 3G... iMessage được coi là hệ thống OTT "chuẩn" cho những người sử dụng các thiết bị từ táo cắn dở. Thế nhưng, điểm hạn chế của tiện ích này là người dùng có thể sử dụng tài khoản iCloud để đồng bộ những tin nhắn iMessage giữa các thiết bị.
Giải pháp:
Sử dụng số điện thoại thay thế cho iCloud hay email.
Nếu như bạn sử dụng những thiết bị không có Sim như máy tính Mac, iPod hay iPad Wi-Fi, bảo vệ mật khẩu là biện pháp duy nhất của bạn. Thế nhưng, nếu như bạn sử dụng iPhone, bạn có thể sử dụng số điện thoại để thay thế cho liên kết này và sẽ chỉ có duy nhất 1 thiết bị nhận được những tin nhắn iMessage đó.
5. Mất tiền oan dù không mua ứng dụng
Những người dùng các sản phẩm Apple có xu hướng đồng bộ thẻ tín dụng với tài khoản iCloud của mình sau đó mua các ứng dụng, nhạc từ cửa hàng trực tuyến Apple để sử dụng bên trong thiết bị của mình. Thế nhưng, nếu như tài khoản iCloud của họ bị đánh cắp, hacker có thể thoải mái mua các ứng dụng, nhạc "chùa" từ chính tài khoản của người dùng bị hại.
Giải pháp:
Sử dụng hệ thống bảo mật 2 lớp của Apple để xác nhận những giao dịch mua bán trên iTunes.
Sử dụng hệ thống bảo mật 2 lớp của Apple (xem cách kích hoạt tại đây) để xác nhận trước khi mua ứng dụng, thường xuyên thay đổi mật khẩu để bảo vệ tài khoản của chính mình.
Kết
Sự tiện lợi nào cũng có những mặt tiêu cực, công nghệ cho dù có hiện đại tới mấy vẫn có những khe hở để kẻ gian trục lợi. Hãy chỉ lưu trữ những thông tin nào cần thiết và những thông tin riêng tư, tốt nhất hãy lưu trữ vào những thiết bị cá nhân không thể can thiệp như ổ cứng hoặc các thiết bị lưu trữ ngoài.
(Tổng hợp)
- 01/09/14 22:10 Tin tặc tấn công, hàng loạt sao Hollywood lộ ảnh khỏa thân
- 01/09/14 21:58 Cẩn thận từ các đường dẫn chia sẻ ảnh “nóng” của các sao Hollywood
- 01/09/14 09:20 Jennifer Lawrence và 100 sao nữ bị phát tán ảnh nóng