Phóng viên tờ The Guardian được chứng kiến buổi lễ trao chìa khóa này và đã tường thuật sự kiện trong một bài báo chi tiết, được tờ Business Insider tóm tắt lại.
Trước hết cần biết rằng địa chỉ các trang web thực chất là một dãy số, ví dụ địa chỉ của Congnghe.5giay.vn đúng ra là 210.211.109.184. Nhưng ghi như vậy thì máy tính hiểu mà người thì khó nhớ. Tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ internet quốc tế, thường được biết dưới tên viết tắt ICANN là nơi cấp phát tên miền này, cả bằng số cho máy tính hiểu và cả “biên dịch” thành chữ cho mọi người dễ nhớ (210.211.109.184 = Congnghe.5giay.vn).
Như vậy nếu có ai kiểm soát được cơ sở dữ liệu của ICANN, người ấy sẽ kiểm soát được toàn bộ Internet. Họ chỉ cần chỉnh vài con số là người dùng, thay vì truy cập vào một nơi họ muốn (như ngân hàng để giao dịch) lại bị chuyển sang một trang web khác (có thể là ngân hàng giả mạo).
Ngược lại, nếu có sự cố gì xảy ra thì cần phục hồi cơ sở dữ liệu của ICANN để duy trì tên miền cho cả triệu trang web. Thế là ICANN nghĩ ra một phương cách để không trao quyền quá lớn cho bất kỳ một ai cả: tổ chức này chọn ra 7 người rồi trao cho mỗi người một chiếc chìa khóa thật. Đồng thời họ chọn thêm 7 người làm người dự phòng, giữ 7 chiếc chìa khóa dự phòng.
Các chìa khóa này dùng để mở các két sắt đặt khắp nơi trên thế giới. Trong mỗi két sắt là một thẻ thông minh. Kết hợp cả bảy thẻ thông minh này lại, sẽ có chiếc chìa khóa vạn năng, tức là một dãy số mật mã dùng để truy cập cơ sở dữ liệu của ICANN hay để khởi động chiếc máy tạo mật mã mới.
Mỗi năm 4 lần, kể từ năm 2010, bảy người nắm chìa khóa sẽ gặp nhau trong buổi lễ trao chìa khóa nói trên với mục đích thật ra là tạo ra chiếc chìa khóa vạn năng mới, tức là mật mã mới. Buổi lễ mà phóng viênThe Guardian tham dự vừa được tổ chức vào cuối tháng trước ở El Segundo, Los Angeles.
Phóng viên tờ The Guardian kể an ninh tại buổi lễ cực kỳ nghiêm ngặt, phải đi qua nhiều lớp cửa, dùng mật mã và máy quét nhận dạng vân tay . Căn phòng dùng làm lễ được cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, không một liên lạc nào thoát ra khỏi căn phòng này.
Những người nắm chìa khóa được chọn là các chuyên gia bảo mật đang làm việc cho các tổ chức quốc tế khác nhau. Họ được chọn do vị trí địa lý trải đều khắp thế giới – không nước nào có quá nhiều người nắm chìa khóa này. Cùng với 7 người dự phòng, họ sẽ là những người hồi phục Internet nếu giả thử xảy ra một thảm họa toàn cầu làm gián đoạn Internet.
Còn những người nắm chìa khóa dự phòng thì mỗi năm một lần sẽ tự chụp hình mình tay cầm tờ báo ra ngày hôm đó và chìa khóa để gởi cho ICANN và báo mọi chuyện vẫn ổn thỏa.
Mọi chuyện nghe như trích từ một cuốn tiểu thuyết của Dan Brown nhưng đó là sự thật.
Theo The Guardian
Có thể bạn quan tâm: